- TP Thủ Đức là cửa ngõ TPHCM, gắn liền với những dự án quan trọng, trong đó có không ít dự án “treo” nhiều năm ảnh hưởng đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Giải pháp tháo gỡ nút thắt để khơi thông là gì?
- Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Đức quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và trách nhiệm rất lớn mà Trung ương và TPHCM đặt ra. Nhiều phần việc TP Thủ Đức nỗ lực, trong đó, đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công giai đoạn 1 đường Vành đai 3 trước kế hoạch 6 tháng.
TP Thủ Đức chủ động thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải phóng mặt bằng, thi công trở lại các dự án đang bị “treo” nhiều năm qua. Mới đây là bàn giao mặt bằng giúp dự án cầu Nam Lý tái khởi động sau khi “treo” 7 năm; đang hoàn tất các thủ tục để giải phóng mặt bằng, bàn giao tiếp mặt bằng của các dự án cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Bồn… Chúng tôi đặt nhiều mục tiêu để cải thiện mạnh mẽ chất lượng cuộc sống của nhân dân và góp phần vào thành quả chung của TPHCM.
Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Yếu tố cốt lõi để các phường đẩy nhanh tiến độ, cải thiện tình hình, bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư các dự án vẫn là nhờ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, chủ trương chính sách phù hợp. Do đó, TP Thủ Đức chủ trương tập trung giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo hướng có lợi nhất cho người dân, qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân…
- Trí tuệ do con người tạo ra đang định hướng ngược lại giá trị, tiêu chuẩn của con người?
- Thực tế có số ít người đang lo ngại vì họ tư duy theo lối mòn, thường có tâm lý lo ngại trước những thách thức của cuộc sống, xu hướng thay đổi của thế giới. Biểu hiện là không muốn thay đổi dù biết sự thay đổi có thể mang tới cơ hội mới; không nỗ lực và dễ dàng từ bỏ khi phải đối diện với thách thức. Nhiệm vụ của chúng tôi là đào tạo ra con người có những tố chất, đức tính và giá trị… ngược lại. Đó là nguồn nhân lực có tư duy mở, tư duy đổi mới sáng tạo, có tinh thần tự học, tự nâng cao kiến thức, có thể nghĩ khác, làm khác; biết nhận diện, dám đối diện và nỗ lực tìm các giải pháp vượt qua thách thức.
- Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức làm chủ tương lai, tỷ lệ thành công là bao nhiêu?
- Nội hàm của “nhân lực chất lượng cao” bắt đầu từ chữ nhân - tức là con người. Chúng ta nên bắt đầu bằng việc giáo dục thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt, yêu nước, sống có khát vọng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Để làm chủ tương lai, sinh viên cần trang bị một nền tảng kiến thức cơ bản và toàn diện, rèn luyện kỹ năng quan trọng như kỹ năng số, ngoại ngữ và chuẩn bị một tư duy linh hoạt để sẵn sàng thích nghi với những thay đổi đó. Ngoài ra, sinh viên cần có năng lực tự học, tự nghiên cứu; tích cực tham gia các hoạt động để sống đẹp hơn, khỏe hơn và có trách nhiệm với cộng đồng hơn.
Đơn cử như Đại học Quốc gia TPHCM đặt ra mục tiêu xuất sắc trong đào tạo. Từ chương trình đào tạo đến phương pháp giảng dạy luôn được cập nhật, đổi mới theo các chuẩn mực quốc tế; có đến 110 chương trình đào tạo đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế, trong đó có nhiều chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đây chính là cơ sở để chúng ta đủ niềm tin sinh viên sau này làm chủ tương lai của mình, của đất nước và của thế giới.
Ảnh: HOÀNG HÙNG |
- Con người vừa trải qua một làn sóng “sợ hãi” khi ChatGPT ra đời, lo một ngày nào đó AI, robot giành việc của con người. Nhà giáo dục cần làm gì trong bối cảnh này?
- Thay vì lo sợ một ngày nào đó sản phẩm do con người tạo ra sẽ chiếm mất việc làm, tôi nghĩ chúng ta nên tập sợ nguồn lao động ở khắp nơi trên thế giới đến cạnh tranh và giành việc với mình.
Quốc gia có giới hạn lãnh thổ nhưng việc làm không có giới hạn quốc gia. Tôi hay nói với cha mẹ học sinh rằng đừng so sánh con anh/chị với những đứa trẻ trong lớp hay học sinh trên địa bàn thành phố bởi vì sau này, sự cạnh tranh với các con là những đứa trẻ ở khắp nơi trên thế giới. Mục tiêu của giáo dục là dạy những đứa trẻ trở thành công dân toàn cầu, có thể tham gia và cạnh tranh trong thị trường lao động thế giới. Chúng ta hãy cho trẻ xuất phát điểm tương đồng trước khi trao nhiệm vụ tương đồng cho chúng.
- Chìa khóa là đổi mới?
- Đổi mới khác xóa bỏ. Khi có thách thức xã hội mới, mục tiêu mới, người học mới thì nhiệm vụ của giáo dục phải khác. Dựa trên nền tảng hiện hữu để thay đổi tư duy làm giáo dục. Bắt đầu từ thay đổi quan niệm học để tiếp nhận kiến thức chuyển sang học để phát triển phẩm chất và năng lực, để thích ứng, tồn tại và phát triển. Khi đó, dù có ChatGPT hay bất kỳ trí thông minh nào ra đời cũng không làm chúng ta lung lay bởi khi đó con người làm chủ, tạo ra và điều khiển phương tiện hỗ trợ lao động hiệu quả hơn.
Ảnh: HOÀNG HÙNG |
- TPHCM có đủ rừng - biển, văn hóa vật thể - phi vật thể, tài nguyên nhân tạo… Ngành du lịch định vị bản sắc du lịch TPHCM là gì?
- Với lợi thế sẵn có, TPHCM định hướng tập trung đón dòng khách chi tiêu cao, gồm khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), phân khúc khách hạng sang… Trong đó, các “đặc sản” được giới thiệu đến khách có thể kể đến sản phẩm du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, khám phá trung tâm TPHCM bằng xe buýt hai tầng, xem múa rối nước, À Ố Show, foodtour,… Tới đây, ngành du lịch sẽ thêm các hoạt động văn hóa du lịch đường sông, lễ hội ánh sáng với điểm nhấn ấn tượng, khác biệt.
Ảnh: HOÀNG HÙNG |
- Những sản phẩm, sự kiện văn hóa - du lịch đủ tầm trở thành bộ “nhận diện” mà bạn bè quốc tế phải tìm đến TPHCM?
- Ngành du lịch TPHCM đã và đang có nhiều sự kiện nội địa lẫn quốc tế như: Lễ hội Áo dài TPHCM vào tháng 3, Ngày hội Du lịch TPHCM vào tháng 4, Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM vào tháng 9 (được đánh giá là sự kiện du lịch quốc tế lớn và uy tín nhất tiểu vùng sông Mekong)… Ngành du lịch tập trung chuyển đổi số, gia tăng các hoạt động tương tác trực tuyến bằng ứng dụng thế giới ảo - Metaverse; khởi động lại việc quảng bá xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
- Với TPHCM, khai thác dữ liệu dùng chung là một trong những chiến lược thúc đẩy các giá trị kinh tế mới, đặc biệt là kinh tế số. Đích đến còn bao xa?
- TPHCM chủ động đề ra nhiều giải pháp thực hiện nhằm triển khai đô thị thông minh và chuyển đổi số, xác định “dữ liệu số” là một nền tảng, chìa khóa quan trọng để chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, xây dựng chính quyền số, phát triển đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tại TPHCM. Vì lý do đó, ngày 6-2-2023, UBND đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND về phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược xác định các nhiệm vụ cụ thể, kết quả cần đạt được từ nay đến năm 2025 về triển khai kho dữ liệu dùng chung, triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành và số hóa, sử dụng hiệu quả dữ liệu số hóa; cung cấp dữ liệu thống nhất, tin cậy, bảo mật và an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu để khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị gia tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Đến khi nào người dân, doanh nghiệp chỉ bằng những cú “click” có đủ thông tin, dữ liệu, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước…?
- Đây là một bài toán mà thành phố đang tiếp tục thực hiện, bởi thực thi chính sách dữ liệu mở từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.