Châu Âu chao đảo trước “mắt xích mới" Italia

Hôm qua 11-7, các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành nhóm họp để thảo luận về tình hình tài chính của Italia, bất kể trọng tâm chính của cuộc họp được xác định ban đầu là về những khó khăn của Hy Lạp.

Là nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Âu và hiện có mức nợ công chiếm tới 120% GDP, Italia đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sau khi hai tổ chức tín nhiệm Standard & Poor 's và Moody's cảnh báo có thể hạ cấp xếp hạng tín nhiệm nợ công của Italia.

Từ cuối năm ngoái, do lo ngại Italia không thể thanh toán được các món nợ khổng lồ, nhiều nhà đầu tư đã đẩy lãi suất cho vay lên cao. Lãi suất đi vay trong 10 năm của Italia hiện tăng thêm 2,36%, lên 5,27%, trong khi chỉ số chứng khoán giảm 3,5%. Thêm vào đó, chính trị tại nước này cũng đang khiến nhiều người lo ngại.

Bất đồng giữa Thủ tướng Silvio Berlusconi và Bộ trưởng Bộ Tài chính Giulio Tremonti ngày một tăng, khiến dư luận càng trở nên lo lắng về khả năng giải quyết gánh nặng nợ nần của Italia. Giới phân tích cho rằng, nếu bất đồng này kéo dài, kinh tế Italia có thể nối gót Hy Lạp.

Các nhà giao dịch đã bán ra trái phiếu và cổ phiếu ngân hàng của Italia trước khả năng nước này có thể vướng vào những vấn đề như của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. Theo nhà phân tích Teppei Ino ở Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ, thị trường đang theo sát diễn biến tình hình tại châu Âu.

Ngoài vấn đề về mức độ bền vững tài chính, nhiều nhà phân tích cho rằng, Italia nên quan tâm nhiều hơn đến sự thịnh vượng dài hạn của mình. Trong quý đầu năm nay, nền kinh tế Italia chỉ tăng trưởng 0,1%, trong khi khu vực đồng tiền chung châu Âu nói chung đã tăng trưởng 0,8%.

Tuần trước, Chính phủ Italia đã công bố dự thảo ngân sách thắt lưng buộc bụng để trình quốc hội xem xét thông qua trước cuối tháng 7 này. Theo đó, chính phủ nước này có kế hoạch tiết kiệm 51 tỷ EUR (khoảng 73 tỷ USD) trong vòng 3 năm nhằm cân bằng ngân sách vào năm 2014.

Tuy nhiên, Roma cũng hy vọng sẽ tái khởi động nền kinh tế yếu ớt của Italia thông qua các biện pháp như miễn giảm thuế cho các doanh nhân trẻ và cho phép các cửa hàng, cửa hiệu kéo dài thời gian bán hàng vào cuối tuần.

Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" kéo dài trong 3 năm của Chính phủ Italia là nhằm mục tiêu đáp ứng các quy định về thâm hụt ngân sách của EU, nhưng quan trọng hơn là nhằm xua tan các mối lo ngại về khả năng thanh toán của nước này.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Italia Giulio Tremonti, bên cạnh các biện pháp kinh tế khắc khổ, Chính phủ cũng đề xuất ngừng tăng lương cho các nhân viên thuộc khu vực nhà nước trong vòng 4 năm, đưa ra các mức lệ phí về khám chữa bệnh và cắt giảm nguồn ngân sách của nhà nước cấp cho chính quyền địa phương.

Vấn đề nợ nần của Italia diễn ra đúng thời điểm các nước châu Âu vẫn đang vật lộn với các vấn đề tài chính của Hy Lạp. Cho nên, không có gì phải ngạc nhiên khi có ý kiến nhận định rằng, Italy có thể trở thành mắt xích tiếp theo Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ.

Các tin khác