Châu Âu rơi vào giảm phát?

Theo thống kê mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của châu Âu giảm xuống 0,3%, mất 0,1% so với 2 tháng trước. Trong bối cảnh dầu thô liên tục rớt giá, nhiều chuyên gia quan ngại kinh tế châu Âu sẽ bị rơi vào giảm phát trong thời gian tới.

Theo thống kê mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của châu Âu giảm xuống 0,3%, mất 0,1% so với 2 tháng trước. Trong bối cảnh dầu thô liên tục rớt giá, nhiều chuyên gia quan ngại kinh tế châu Âu sẽ bị rơi vào giảm phát trong thời gian tới.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong tháng 10, CPI toàn khối 18 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) là 0,4%. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 0,7% và năm 2012 lạm phát ở 2,5%. Đi vào chi tiết, CPI tại 4 nước Tây Ban Nha, Hy Lạp, Slovenia và Slovakia tăng trưởng âm. Tỷ lệ lạm phát tại Đức, nền kinh tế số 1 trong Liên minh châu Âu (EU), rơi xuống mức thấp nhất kể từ 20 năm qua. Tại Pháp CPI trong tháng 11 cũng chỉ đạt 0,7%…

Cũng theo thống kê, CPI eurozone không ngừng sụt giảm từ năm 2012 tới nay. Chuyên gia Paul Krugman, người từng giành giải Nobel Kinh tế năm 2008, cho rằng châu Âu đang rơi vào tình trạng đình đốn, giảm phát tương tự Nhật Bản, nhưng tác động còn tệ hại hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến CPI thấp, trong đó có yếu tố nguyên và nhiên liệu đang giảm giá.

Điển hình giá dầu thô, giá nông sản trong bối cảnh rau quả châu Âu bị cấm xuất khẩu sang Nga. Bên cạnh đó cũng phải nói đến chính sách kiểm soát giá cả của Brussels. Đức tới nay vẫn bị ám ảnh lạm phát phi mã ở những năm 1930 và sau khi chấm dứt thế chiến thứ 2. Vì vậy, mọi nỗ lực của EU từ hàng chục năm qua kìm hãm giá cả, tránh để xảy ra lạm phát. Ngoài ra, việc người dân thắt chặt chi tiêu cũng là nguyên nhân khiến CPI tụt giảm.

Nếu châu Âu giảm phát, sản xuất tại khu vực sẽ rơi vào bế tắc, doanh nghiệp không thể có vốn để đầu tư, nền kinh tế đình trệ. Tuy nhiên, không ít người vẫn tin rằng châu Âu mới chỉ cận kề mối đe dọa giảm phát bởi đồng EUR bắt đầu giảm giá so với USD góp phần đẩy vật giá trong khối lên cao.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Pháp Coe Rexecode, Denis Ferrand, trên thực tế chỉ số giá của EU vẫn tăng, nhưng chỉ tăng chậm hơn trước, chứ chưa thể nói rơi vào giảm phát. Hơn nữa, khi nhìn vào mức tiêu thụ các hộ gia đình, sau một vài tháng bị sụt giảm do tác động khủng hoảng và thất nghiệp, tiêu thụ của tư nhân đã bắt đầu tăng trở lại.

Người dân thắt chặt chi tiêu là một trong những nguyên nhân khiến CPI châu Âu tụt giảm.

Người dân thắt chặt chi tiêu là một trong những nguyên nhân khiến CPI châu Âu tụt giảm.

Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá hơn 315 tỷ EUR. Không phải tình cờ EC vận động cho kế hoạch này. Theo chuyên gia Denis Ferrand, đây chính là một trong giải pháp nhằm đưa nền kinh tế châu Âu thoát khỏi nguy cơ giảm phát.

“Châu Âu cần tăng khả năng cạnh tranh bằng cách nâng cao các khoản đầu tư. Tôi muốn nói về việc đẩy mạnh đầu tư - nhất là các khoản đầu tư công - không phải để khuyến khích tiêu thụ mà để tạo nền tảng vững chắc cho khu vực sản xuất. Đó có thể là các chương trình đầu tư để sản xuất mà không hủy hoại môi trường, hay đầu tư để làm chủ những công nghệ tân tiến, để châu Âu đi trước những đối thủ khác về mặt kỹ thuật” - ông Ferrand nói.

Chia sẻ với quan điểm của chuyên gia Ferrand, GS. HenrikUterwedder, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Pháp-Đức tại Ludwigsburg, cho rằng chỉ cần nhìn vào dự án đầu tư 315 tỷ EUR do EC đề xuất và thái độ ủng hộ của Đức, có thể dễ dàng nhận thấy châu Âu đã đồng lòng về giải pháp để tạo một động lực mới cho toàn khối. Đó sẽ là nền tảng cho phép châu Âu nâng cao khả năng cạnh tranh trong tương lai. Theo đó, chu kỳ tăng trưởng sắp tới của châu Âu sẽ ổn định và lâu dài.

Các tin khác