Châu Âu thắt chặt chính sách nhập cư

(ĐTTCO)-Ngày 22-1, Áo dựng xong hàng rào biên giới dài 3,7km gần cửa khẩu Spielfeld. Đây được xem là hàng rào đầu tiên được dựng lên trong EU, ở khu vực miễn thị thực Schengen. Đức, Pháp cũng tiến hành tuần tra chung khu vực biên giới để chống làn sóng nhập cư lậu đang ồ ạt tràn vào nước này.

(ĐTTCO)-Ngày 22-1, Áo dựng xong hàng rào biên giới dài 3,7km gần cửa khẩu Spielfeld. Đây được xem là hàng rào đầu tiên được dựng lên trong EU, ở khu vực miễn thị thực Schengen. Đức, Pháp cũng tiến hành tuần tra chung khu vực biên giới để chống làn sóng nhập cư lậu đang ồ ạt tràn vào nước này.

Kiểm soát biên giới gắt gao

Áo cũng tuyên bố siết chặt chính sách tị nạn, theo đó sẽ chỉ cho phép người tị nạn muốn tới Đức hoặc Áo, được phép quá cảnh nước này. Thậm chí, họ còn thể hiện chính sách cứng rắn bằng việc triển khai quân đội kiểm soát dòng người nhập cư và áp dụng biện pháp trả lại người di cư tại khu vực Scandinavia.
Cùng lúc này, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thomas de Maizière cho biết, Berlin sẽ tiến hành kiểm soát biên giới vô thời hạn nhằm hạn chế dòng người di cư vào nước này.

 

Ông Maizière cho biết chưa thể dỡ bỏ lệnh kiểm soát dự kiến hết hiệu lực vào giữa tháng 2 tới. Về số người tị nạn tới Đức trong năm 2016, ông de Maizière không đưa ra con số cụ thể, song nhấn mạnh Đức sẽ không thể tiếp tục tiếp nhận thêm một triệu người tị nạn, mà con số này sẽ giảm mạnh. Liên đảng bảo thủ CDU/CSU đã nhất trí giảm rõ rệt và lâu dài số người tị nạn vào nước này, thấp hơn con số trung bình 2.000 người/ngày trong tháng 1-2016.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận của hãng tin Đức N24 vừa công bố cho thấy, hiện chỉ còn 15% số người Đức được hỏi ủng hộ chính sách tị nạn của Thủ tướng Merkel, trong khi có tới 1/3 số ý kiến ủng hộ đóng cửa biên giới nước này.

Theo cuộc thăm dò do Viện Nghiên cứu Emnid thực hiện cho hãng tin N24, có tới 79% số người được hỏi yêu cầu siết chặt các điều kiện đối với người xin tị nạn ở Đức. Nếu cuộc thăm dò hồi tháng 4-2015 có tới 74% số người tin tưởng Đức có thể giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, đến nay, con số này đã giảm chỉ còn 49%. Về giải pháp hạn chế người tị nạn vào Đức, 1/3 số ý kiến muốn Đức theo mô hình của Áo và Thụy Điển đóng cửa biên giới của mình.

Nạn buôn người nở rộ

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, liên tiếp trong 2 ngày 21 và 22-1 đã có ít nhất 27 người di cư, trong đó có nhiều trẻ em đã chết và nhiều người khác mất tích khi các thuyền chở họ bị chìm ngoài khơi vì thời tiết xấu. Hầu hết những người này nhập cư vào châu Âu theo các đường dây buôn người, trên những con thuyền cũ kỹ và quá tải.

Hãng thông tấn Anadolu cho biết thêm, các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 2 người được cho là thành viên trong đường dây buôn người. Cảnh sát Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã phối hợp phá một đường dây buôn người chuyên dùng thuyền để chở người tị nạn vào châu Âu. Các nhà điều tra hai nước đã tiến hành lục soát 17 căn hộ tại 6 bang ở Đức, bắt giữ 5 nghi can, trong khi 10 đối tượng cũng đã bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo điều tra, mỗi người tị nạn đã phải trả 4.500 - 6.000USD để được đưa đến châu Âu.

Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), chỉ trong hai tuần đầu tiên của năm 2016, đã có tới 23.600 người tị nạn từ các nước Trung Đông tới châu Âu, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây chính là lý do để các đường dây buôn người hình thành và nở rộ.

Giám đốc Cơ quan Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) Rob Wainwright cho biết, các băng nhóm tội phạm đã thu được lợi nhuận 3 - 6 tỷ USD từ việc đưa người di cư trái phép từ các nước Trung Đông sang châu Âu. Ông Wainwright khẳng định sau khi điều tra 1.500 người tị nạn và người di cư vì mục đích kinh tế, có tới 90% trong số đó cho biết họ đã trả 3.000 - 6.000USD cho những kẻ môi giới để vượt biên sang châu Âu.

Các tin khác