Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam đang hướng đến xây dựng một ngành chăn nuôi theo quy mô công nghiệp và sử dụng công nghệ hiện đại (từ chuồng trại khép kín đến nhà xưởng chế biến, giết mổ, đóng gói). Nhà xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi công nghệ cao đã trở thành xu hướng phát triển. Trong đó, việc xây dựng với nguồn vật liệu tái chế, thân thiện môi trường, vật liệu xanh đang được khuyến khích.
CƠ HỘI LỚN, DƯ ĐỊA TĂNG TRƯỞNG NHIỀU
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, giá thịt heo kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào đầu năm 2024 nếu lạm phát hạ nhiệt. Do Tết Nguyên Đán năm nay đến muộn, nên nhu cầu thịt heo có khả năng sẽ tăng rõ rệt hơn ở tháng 1-2024.
Hiện tại, nhu cầu về thịt heo vẫn tăng nhưng biến động không rõ ràng. Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục giảm cho đến đầu năm 2024, do các nhà nhập khẩu đã tích cực tích trữ ngũ cốc từ đầu năm 2023, trước lo ngại hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng nặng nề đến vụ mùa.
Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu tổng đàn heo thường xuyên 30 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,5 triệu con; thịt xẻ khoảng 6 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 60%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế về chăn nuôi, dư địa tăng trưởng vẫn còn rất nhiều. Nhiều năm trước, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu chỉ đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở thị trường nội địa, không có dư để xuất khẩu.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, các doanh nghiệp tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) đã tăng cường đầu tư hệ thống chăn nuôi và chế biến với quy mô lớn, nhằm xây dựng một ngành công nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu, đồng thời đáp ứng thị hiếu tiêu dùng thực phẩm chất lượng cao và ngon tại Việt Nam.
Hiện tại, về chăn nuôi heo, Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu con và đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt.
Tương tự, về chăn nuôi gia cầm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thông tin: Việt Nam đang là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), một số lĩnh vực chăn nuôi (như chăn nuôi bò và gia súc lớn) thì chúng ta vẫn chưa khai thác hết dư địa. Cụ thể, tổng sản lượng thịt bò sản xuất trong nước đến nay mới chỉ đáp ứng được 45-50% nhu cầu tiêu dùng, còn lại vẫn phải nhập khẩu.
ĐUA NHAU ĐẦU TƯ HỆ THỐNG CHĂN NUÔI
Năm 2023, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam dự kiến tổng sản lượng heo bán ra khoảng 370.300 con, đem về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tương ứng khoảng 2.700 tỷ đồng và 270 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ việc mở rộng 3F (Feed - Farm – Food) sẽ được dồn sang năm 2024 nếu doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch, dự phóng tổng sản lượng heo bán ra trong năm 2024 sẽ đạt 676.380 con với mức doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tương ứng là 5.600 tỷ đồng và gần 510 tỷ đồng.
Trong quý III, BAF đã hoàn thiện nhà máy cám tại Nghệ An, nâng số nhà máy cám mà doanh nghiệp sở hữu lên con số 3, với tổng công suất 440.000 tấn/năm, đảm bảo cho doanh nghiệp chủ động được 100% nguồn thức ăn đầu vào.
BAF Việt Nam là một trong những doanh nghiệp khá tiêu biểu trong lĩnh vực chăn nuôi đầu tư hệ thống chăn nuôi công nghệ cao để nâng cao hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực này. Đây cũng là quan điểm của lãnh đạo Công ty Cổ phần CPV - Food VN.
“Muốn chăn nuôi tốt, có vật nuôi tốt, sản phẩm tốt thì cần có chuồng trại, nhà máy tốt. Chuồng trại, nhà máy chế biến phải được sử dụng vật liệu chất lượng cao, giải pháp từ thiết kế đến thi công phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của C.P., được cung cấp bởi những đơn vị uy tín, đạt tiêu chuẩn quốc tế” - lãnh đạo Công ty Cổ phần CPV - Food VN từng chia sẻ và cho biết, các dự án của doanh nghiệp như CPV - Food (chuồng trại, nhà máy ấp, nhà máy chế biến) và C.P. Feedmill (nhà máy thức ăn chăn nuôi) đều sử dụng giải pháp Lysaght, vật liệu tôn COLORBOND® và ZINCALUME® do NS BlueScope Việt Nam cung cấp.
Tại khu vực miền Bắc của Tập đoàn Masan, toàn bộ heo cung ứng cho Nhà máy thịt mát MeatDeli Hà Nam, được nuôi từ trang trại rộng 223ha ở tỉnh Nghệ An (quy mô khoảng 230.000 con/năm), tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, theo mô hình hoàn toàn khép kín “3F” (Feed - Farm - Food). Nhà xưởng, chuồng trại, công nghệ và quy trình nuôi heo tương đương tiêu chuẩn quản lý trang trại chăn nuôi quốc tế và tuân thủ tiêu chuẩn Global GAP.
Còn tổ hợp Nhà máy thịt mát MeatDeli Hà Nam có tổng diện tích 10ha, tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, xây dựng và hoạt động từ năm 2018 đến nay. Năm 2020, tổ hợp này còn đầu tư thêm một nhà máy giết mổ thịt gà mát và từ tháng 6-2022 đến nay, tiếp tục mở thêm nhà máy chế biến thịt, sản xuất xúc xích (Heo Cao Bồi). Điểm đáng chú ý là phần bao che và sàn ở nhà máy của Masan MeatLife là đều đã lựa chọn giải pháp thép của Lysaght với vật liệu tích hợp công nghệ mạ AM – Activate™ ma trận 4 lớp cho độ bền công trình vượt trội.
Với mục tiêu thúc đẩy chăn nuôi công nghiệp hiện đại, ngoài những doanh nghiệp trên, đến thời điểm này, tại Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư những dự án chăn nuôi quy mô rất lớn, có thể kể đến như: Japfa Comfeed, Emivest, Dabaco, Minh Dư, Cao Khanh, Lượng Huệ, Grimaud Việt Nam… Những doanh nghiệp này đã đẩy mạnh rót vốn đầu tư nhà máy, mở rộng trang trại, trang bị dây chuyền công nghệ nhập khẩu để chăn nuôi khép kín “từ A đến Z”.
Nhấn mạnh thị trường cung cấp sản phẩm thức ăn chăn nuôi đang là cơ hội dành cho các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chỉ có hướng đến phát triển một ngành chăn nuôi quy mô công nghiệp, công nghệ hiện đại, trang trại khép kín, giết mổ và chế biến tập trung mới là giải pháp để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất mà Việt Nam đang gặp, như cách ly dịch bệnh, xử lý chất thải, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…
BlueScope là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm và giải pháp về thép, đặc biệt tập trung vào ngành công nghiệp xây dựng và cao ốc toàn cầu, với bề dày lịch sử 165 năm từ Australia. Tập đoàn có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, với việc thành lập Công ty NS BlueScope Lysaght Việt Nam, đặt nhà máy tại khu công nghiệp Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
Trong lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam, giải pháp LYSAGHT® AGRISHED™ với thế mạnh được phát triển dựa trên đặc thù từng loại vật nuôi hoặc cây trồng đã được nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn trong thi công chuồng trại như các trại nuôi gia cầm của CP Việt Nam, trại bò Sao Đỏ, trại gà Minh Dư, trại heo Thái Dương…