6 nhóm được hỗ trợ
Theo Nghị quyết số 09 về một số chế độ, chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 vừa được HĐND TPHCM thông qua, có 6 nhóm được hỗ trợ: hỗ trợ tiền ăn; hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống.
Cụ thể, về chính sách hỗ trợ tiền ăn, TPHCM hỗ trợ cho người áp dụng biện pháp cách ly y tế với mức 80.000 đồng/người/ngày. Đồng thời, hỗ trợ cho người tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 với mức chi 120.000 đồng/người/ngày. Về hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, TPHCM hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần). Riêng đối với lao động nữ đang mang thai thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người lao động đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ, hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.
TPHCM cũng hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hỗ trợ một lần là 1,8 triệu đồng/người. Phụ nữ mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TPHCM hỗ trợ mức 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian TPHCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Với các hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động (trừ hoạt động cho thuê nhà/mặt bằng) theo yêu cầu của UBND TPHCM để kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) và các khu vực khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM hỗ trợ trực tiếp bằng tiền với mức 2 triệu đồng/hộ. Đối với thương nhân tại các chợ truyền thống có quầy sạp, có mã số thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, TPHCM hỗ trợ gần 60.000 điểm kinh doanh với mức từ 150.000 - 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng. Thời gian hỗ trợ là 6 tháng (từ tháng 7-2021 đến hết tháng 12-2021).
Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM được quan tâm hỗ trợ
Người dân không cần làm thủ tục
Về thủ tục hỗ trợ, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho hay, đối với nhóm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục thì người sử dụng lao động lập danh sách theo mẫu, gửi UBND TP Thủ Đức, quận huyện nơi đơn vị đặt trụ sở chính. Trong 5 ngày làm việc, UBND TP Thủ Đức, quận huyện thẩm định, quyết định hỗ trợ và thực hiện chi hỗ trợ cho người lao động. “Tiền được chuyển thẳng vào tài khoản của người lao động. Như vậy, thủ tục sẽ do doanh nghiệp làm, người lao động không phải làm thủ tục gì”, ông Lê Minh Tấn cho hay. Trong khi đó, thủ tục đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện thất nghiệp cũng do doanh nghiệp, cơ sở lập và chính quyền địa phương thẩm định trong vòng 3 ngày, tiền hỗ trợ chuyển vào tài khoản.
Riêng đối với người lao động tự do, quy mô hỗ trợ rất lớn, với 230.000 người, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM khẳng định: “Người lao động cũng không phải làm thủ tục gì. Ngoài một số lĩnh vực sẽ do chủ sử dụng lao động thống kê, thì danh sách cụ thể người lao động tự do sẽ do ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân lập theo mẫu. Sau đó, UBND xã, phường, thị trấn rà soát, xét duyệt và niêm yết danh sách công khai người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Qua 2 ngày niêm yết, hồ sơ sẽ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thẩm định và gửi kết quả về xã, phường, thị trấn để chi trả tiền mặt trực tiếp cho người dân”.
Chỉ được hưởng một chế độ
Nguyên tắc hỗ trợ là trường hợp người hỗ trợ thuộc diện hưởng từ 2 chế độ trở lên thì chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ cao nhất và không được chi trùng người hỗ trợ. “Gói an sinh xã hội lần 2 nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 sẽ được thực hiện với thủ tục đơn giản nhất để người dân, doanh nghiệp thuận lợi và kịp thời tiếp cận chính sách hỗ trợ của TPHCM. Chỉ có thuận lợi và kịp thời thì sự hỗ trợ mới có ý nghĩa, đúng với tinh thần chia sẻ, một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh.
Cùng thực hiện gói hỗ trợ của TPHCM, TPHCM cũng bắt đầu triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ vừa ban hành ngày 1-7. Nguyên tắc là những người nào chưa nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM thì sẽ nhận hỗ trợ theo diện quy định theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Hoặc, trường hợp nào đã nhận hỗ trợ mà mức hỗ trợ theo Nghị quyết 09 thấp hơn Nghị quyết 68 thì sẽ được TPHCM hỗ trợ thêm khoản chênh lệch, bằng với quy định tại Nghị quyết 68.