Chỉ số hạnh phúc và nỗi lo tham nhũng vặt

(ĐTTCO) - Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa tiêu chí “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết. Trong kế hoạch phát triển địa phương, tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ: “Ý tưởng này xuất phát từ nhận định, nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách Yên Bái mãi là tỉnh khó khăn, mãi là tỉnh nghèo, có trình độ phát triển thấp. Bởi vậy, địa phương chọn hướng đi làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”.
 Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 yếu tố: sự hài lòng về điều kiện kinh tế xã hội, tuổi thọ trung bình và môi trường sinh thái.
Đây là tín hiệu mới mẻ và tích cực, đồng thời cũng tạo ra thách thức và động lực để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, đứng trên cương vị lãnh đạo của một tỉnh hay nhìn ở góc độ quốc gia, không lẽ tỉnh nghèo, tỉnh khó khăn mới tìm ra “chỉ số hạnh phúc?”. Hành trình đi tìm chỉ số hạnh phúc không thể chỉ được tô điểm trên các báo cáo, khi người dân đang mệt mỏi đối mặt với tệ nạn tham nhũng.
Chỉ số hạnh phúc và nỗi lo tham nhũng vặt ảnh 1
Chỉ số hạnh phúc là khái niệm được đề cập trong thế giới hội nhập, khi nhu cầu danh lợi đang tạo ra những cạnh tranh sôi sục và những hệ lụy nhức nhối. Nhiều quốc gia đã chọn ngày 20-3 hàng năm làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc bằng thông điệp mạnh mẽ “Hạnh phúc là mục tiêu và khát vọng trong cuộc sống của con người trên khắp hành tinh”. Nhưng để cân đong hạnh phúc đích thực vẫn còn nhiều tranh cãi. 
Năm 2012, Tổ chức New Economics Foundation của Anh đã đưa ra Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) và công bố Việt Nam xếp thứ 2 trong số những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng chỉ số HPI chưa phản ánh chính xác thực tế tại Việt Nam.
Thông qua đề tài “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá”, PGS.TS Lê Ngọc Văn băn khoăn: “Chúng tôi đã khảo sát khắp nơi trên thế giới nhưng không tìm ra cách tính toán hạnh phúc chung. Hiện tại, các quốc gia và tổ chức quốc tế vẫn đang tiếp tục xây dựng chỉ số hạnh phúc một cách độc lập. Chúng tôi phải nhờ nhiều chuyên gia để tính toán, tìm ra chỉ số đo lường hạnh phúc của người Việt Nam”.
Vậy nhưng, với tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy khẳng định “bà con nói đường đi tới đâu chủ nghĩa xã hội tới đó, tức với bà con, có được con đường đi xe máy đã rất hạnh phúc”. 
Tiền kho, bạc đống chưa chắc đồng nghĩa với hạnh phúc. Trong kỷ nguyên hội nhập, có một thực tế không thể phủ nhận là thành tựu công việc luôn tỷ lệ nghịch với tình trạng sức khỏe và chỉ số hạnh phúc. Đó là bi kịch của xã hội hiện đại. Bởi lẽ con người sinh ra không chỉ chăm lo cho cái ăn và cái mặc, còn nhiều quan hệ tình cảm cũng như nhiều khát vọng tương lai. Ước mơ giàu sang hoặc cơ hội sáng tạo của từng cá nhân, cũng là đòn bẩy quan trọng cho mỗi địa phương và mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Chính vì vậy hiện nay, đã có nhiều nước đặt Tổng hạnh phúc quốc gia - GNH ở vị trí then chốt hơn cả Tổng sản phẩm nội địa - GDP. 
Từ câu chuyện Yên Bái gợi mở nhiều suy tư về chỉ số hạnh phúc, khi tài nguyên thiên nhiên và niềm tin con người đang bị khai thác cạn kiệt bởi các tệ nạn từ “tham nhũng vặt” đến “ăn quá dày”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt lên: “Tham nhũng lớn đã nghiêm trị rất nhiều, nhiều cán bộ có liên quan đã bị xử lý theo pháp luật, nhưng “tham nhũng vặt” còn là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Muốn cải thiện tình hình ấy, không có cách nào khác là lấy sự hài lòng của người dân để làm thước đo hiệu quả quản lý xã hội.
Các hội thảo về cải cách hành chính đã nghiêm túc nhìn nhận, giá trị đạo đức công vụ hiện nay mới chỉ mang tính thủ tục, hoặc được thực thi theo tập quán, thói quen xã hội, chưa bảo đảm về căn cứ pháp lý để giám sát, điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Một khi những quy phạm về đạo đức công vụ không được hệ thống hóa thành những quy định mang tính bắt buộc, tất yếu mọi hoạt động sẽ không được công khai, minh bạch và sẽ không thể là động lực cho quá trình xây dựng và phát triển xã hội. 

Các tin khác