(ĐTTCO) - Các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải dừng hoạt động, chợ tự phát đóng cửa. Dừng hoạt động taxi, xe công nghệ, xe liên tỉnh và các tuyến xe buýt. Riêng xe công nghệ 2 bánh vẫn được chạy. Thành phố quy định không được tụ tập quá 3 người ngoài công sở, nơi công cộng.
Chỉ thị khẩn số 10 do Chủ tịch UBND TPHCM ký ban hành tối 19-6, nhấn mạnh trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm trong những ngày gần đây lên đến 3 con số, và có những ca bệnh chưa rõ nguồn lây, dự báo sẽ xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng.
Dừng chợ tự phát, dừng taxi, xe buýt, chỉ có xe ôm công nghệ được chạy
Theo Chỉ thị khẩn số 10, thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, TP Thủ Đức và các quận - huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố và tăng cường thêm một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, thực hiện cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Theo Chỉ thị 10, từ 0h ngày 20-6, tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải dừng hoạt động.
Các chợ tự phát trên địa bàn sẽ tạm đóng cửa. Cùng với đó, taxi, xe công nghệ (ô tô dưới 9 chỗ), xe liên tỉnh và các tuyến xe buýt cũng tạm dừng kinh doanh. Riêng xe công nghệ 2 bánh vẫn được chạy. Lực lượng giao hàng (shipper) bắt buộc phải khai báo y tế khi làm việc.
Với các chợ truyền thống hoạt động, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường công tác phòng, chống dịch. Riêng những chợ truyền thồng không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch cũng sẽ tạm dừng hoạt động.
Tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa), hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân.
Với các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất vẫn hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Các chợ tự phát phải tạm đóng cửa từ 0h ngày 20-6; những chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch cũng phải dừng hoạt động. Ảnh: Tuổi Trẻ
Cấm tụ tập trên 3 người nơi công cộng, mọi người dân ở tại nhà
Chỉ thị 10 cấm tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tác 5K của Bộ Y tế. Thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa 2 người tại các địa điểm công cộng.
Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch của các cá nhân, tổ chức.
Mọi người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; đi làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.
Thành phố kêu gọi toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đẩy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình.
Nhà máy xí nghiệp hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn phòng dịch
Chỉ thị 10 quy định các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được hoạt động bình thường. Giữ khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5m, yêu cầu tất cả người lao động mang khẩu trang tại nơi làm việc; khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên.
Doanh nghiệp phải có văn bản cam kết tuân thủ phòng, chống dịch. Người đúng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động.
Chỉ thị 10 quy định thực hiện cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh, người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường An lạ - Bình Tân.
Cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo yêu cầu về giãn cách trong quy trình làm việc. Các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn... hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang làm việc trực tuyến. Chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.
UBND TPHCM cũng yêu cầu dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hop cần thiết phải tổ chức, cuộc họp không quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt được chính quyền cho phép và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K.
Với các cơ quan, đơn vị nhà nước, Chỉ thị yêu cầu tổ chức làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu và các nhiệm vụ cần thiết theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Số lượng người làm việc tại công sở không quá 1/2 tổng số người lao động.
Riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế thành phố đảm bảo 100% quân số.
Thành phố đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến và tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trừ trường hợp đặc biệt).
Cũng trong tối 19-6, Sở Giao thông Vận tải có văn bản khẩn tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ trên địa bàn TPHCM, gồm xe buýt, xe khách theo tuyến cố định liên tỉnh và xe trung chuyển, xe taxi (trừ các phương tiện được công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết), xe công nghệ (hợp đồng dưới 9 chỗ)...
Các trường hợp được phép hoạt động phải đáp ứng theo đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch; đảm bảo việc vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 10 người/chuyến (kể cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe).
Thành phố cũng tạm dừng hoạt động các tuyến buýt sông, phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tàu cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách.
Các trường hợp được hoạt động bao gồm các bến phà (Cát Lái, Bình Khánh và Cần Giờ - Cần Giuộc) và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách (Cần Thạnh - Thạnh An, Cần Thạnh - Thiềng Liềng, Phú Xuân - Phước Khánh) phải đáp ứng theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn; vận chuyển không quá 50% sức chở của phương tiện...
Đến 18h tối 19-6, số ca nhiễm Covid-19 tại TPHCM Bộ Y tế công bố đã lên 1.481 người, đứng thứ 3 trong số các tỉnh thành có nhiều bệnh nhân nhất hiện nay, chỉ sau Bắc Giang và Bắc Ninh.
Đáng chú ý trong 3 ngày gần đây, số ca nhiễm của TPHCM luôn ở mức cao. Trong đó ngày 17-6 ghi nhận 137 ca nhiễm mới. Trong ngày 18-6, số bệnh nhân cao kỷ lục, lên đến 149 ca. Trong ngày 19-6, thành phố cũng có 135 ca nhiễm...
Từ ngày 19-6, TPHCM triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất, tiêm gần một triệu liều vaccine AstraZeneca cho những người thuộc nhóm ưu tiên tiêm chủng. Theo thống kê, TPHCM có trên 2,3 triệu người cần được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.