TPHCM xem xét nâng cao mức giãn cách xã hội

(ĐTTCO) - Bí thư TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng thành phố rất nỗ lực, và đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm, nhưng vẫn chưa khống chế được dịch. Vì vậy, cần triển khai biện pháp mạnh, quyết liệt hơn, nhưng những khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì nới lỏng hơn.


TPHCM xem xét nâng cao mức giãn cách xã hội
Quyết tâm 1 tuần tới khống chế được dịch
Trưa nay, 19-6, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM họp khẩn để thảo luận, triển khai phương án cấp bách trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 với một số biện pháp tăng cường. Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn đang rất phức tạp, và có nhiều điểm mới khó lường. Số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh. Dự báo khả năng số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Vì vậy, theo ông Phong, việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay, để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây. 

Nhấn mạnh về diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm, và đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, thống nhất triển khai biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn.

"Quyết tâm sau 1 tuần tới, thành phố có thể khống chế được dịch bệnh. Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài", Bí thư Thành ủy nói.

Sản xuất, lưu thông hàng hóa không đình trệ

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vaccine nhưng để vaccine hiệu quả cần có thời gian. Trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng, có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TPHCM.

"Thành phố nâng cao mức giãn cách xã hội, nhưng đối với những địa điểm, khu vực có thể đảm bảo an toàn với dịch bệnh thì nới lỏng hơn. Riêng hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa phải đảm bảo không đình trệ, chỉ hạn chế khi thật sự cần thiết", Bí thư Thành ủy cho biết.

TPHCM xem xét nâng cao mức giãn cách xã hội ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Quyết tâm sau 1 tuần tới, thành phố có thể khống chế được dịch bệnh. Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài. Ảnh: TTBC
Ông cũng đề nghị các lực lượng, ban ngành tuyên truyền để từng người dân hiểu, đồng thuận và chia sẻ cùng thành phố, tất cả để đảm bảo sức khỏe của người dân, sự an toàn, phát triển bền vững của thành phố.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý TPHCM cần cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra, chủ động xây dựng và triển khai biện pháp cụ thể, linh hoạt riêng của TP, để phòng chống dịch. Trong đó, siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát các biện pháp đang triển khai.

Trước khi triển khai biện pháp mạnh hơn, thành phố cần công bố cho người dân biết và nắm rõ các thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu, lượng thực, thực phẩm, giao thông đi lại… Để người dân chủ động trong sinh hoạt, làm việc, tránh hoang mang, lo lắng và tích trữ không cần thiết.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh biện pháp phòng chống dịch hiệu quả hiện nay là vaccine + 5K + công nghệ. Công nghệ phải được ứng dụng trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; ứng dụng trong tiêm vaccine; truy vết, cách ly, quản lý hành chính… để nâng cao hiệu quả.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận - huyện và TP Thủ Đức rà soát, đánh giá lại năng lực y tế trên địa bàn, nhất là khả năng đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung, để tính toán phương án phù hợp.

Chiều nay, thành phố họp trao đổi, thảo luận với Bộ Y tế và các ngành liên quan, để chốt phương án cụ thể và sớm thông báo cho toàn nhân dân được biết.

Dịch lay nhiễm mạnh trong gia đình, xóm trọ, nơi làm việc

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, tính từ khi phát dịch đến 18 giờ ngày 18-6, TPHCM có 1.661 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố. Trong đó 1.414 trường hợp nhiễm trong cộng đồng. Hiện thành phố đang điều trị cho 1.289 bệnh nhân. 

Tính riêng từ 6 giờ ngày 18-6 đến 6 giờ ngày 19-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) ghi nhận 104 trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

Cụ thể có 17 trường hợp trong khu phong tỏa, 42 trường hợp trong khu cách ly và 32 trường hợp khi  mở rộng xét nghiệm ở quận Bình Tân. Có 1 trường hợp được giám sát sau cách ly tập trung (là chuyên gia nước ngoài) và 6 trường hợp đang điều tra.

Nhận định về các chuỗi lây nhiễm lớn trên địa bàn, theo lãnh đạo Sở Y tế, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng tại TPHCM.

TPHCM xem xét nâng cao mức giãn cách xã hội ảnh 2 TPHCM xem xét nâng cao mức độ giãn cách nhưng đảm bảo sản xuất kinh doanh lưu thông hàng hóa không đình trệ. Ảnh: H.Minh
Các chuỗi dịch lớn ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận – huyện. Và đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhân viên y tế và nhân viên văn phòng.

Ngành Y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến khám, đặc biệt lưu ý yếu tố dịch tễ. Đồng thời giám sát, phòng chống dịch được đẩy mạnh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ coa trên địa bàn có môi trường làm việc dễ lây lan.

Toàn bộ người lao động trong khu công nghiệp có người nhiễm, nghi nhiễm được xét nghiệm và mở rộng xét nghiệm trong tất cả các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng cách ly tập trung, tăng cường giám sát cách ly tại nhà. Ngành y tế đã triển khai phương án tổ chức 3.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 cùng với đầy đủ các trang thiết bị hồi sức, cấp cứu bệnh nhân nặng 

Về tiêm chủng Covid-19, TPHCM đang triển khai tiêm đợt 3. Từ ngày 3-6 đến nay đã tiêm cho 67.792 người, trong đó 38.383 người tiêm mũi 1 và 29.409 người tiêm mũi 2. Còn lại hơn 4.000 liều sẽ tiêm vét trong 2 ngày 19 và 20-6. TP cũng triển khai chiế dịch tiêm 786.000 liều vaccine Covid-19 do Bộ Y tế cấp đợt 4.

Các tin khác