Chia sẻ khó khăn với người lao động

(ĐTTCO) - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cách ly xã hội, chính quyền các địa phương và người dân đã nghĩ đến việc hỗ trợ cho những người lao động nghèo phải tạm mất việc, không có thu nhập, và tổ chức các hoạt động từ thiện giúp họ vượt khó. 

Cùng chung tay

Tại TPHCM, ngay buổi sáng đầu tiên thực hiện cách ly xã hội, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền rất nhanh chóng thông tin chi tiết hơn 20 địa chỉ phát quà, bán cơm giá rẻ, phát cơm miễn phí giúp người bán vé số. Đây là nghĩa cử cao đẹp mang đậm tính nhân văn, thể hiện tấm lòng hào hiệp của người dân TPHCM.

Mỗi tổ chức, cá nhân có cách làm khác nhau nhưng đều chung một mục đích là lo cho bà con nghèo, giúp họ vượt qua mùa dịch an toàn. Có người tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như gạo, nước mắm, dầu ăn, mì gói... Có người tặng các suất ăn từ thiện hoặc bán với giá tượng trưng dưới 5.000 đồng. 

Quán chay Bình An phát cơm, mì gói giúp người lao động nghèo

Quán chay Bình An phát cơm, mì gói giúp người lao động nghèo

Từ ngày 1-4, quán chay Bình An (số 49 Ngô Quyền, quận 10) phát cơm chay miễn phí, chia theo từng phần để mọi người mang về, không tụ tập ăn tại quán. Dự kiến, mỗi ngày quán phát khoảng 1.000 suất. Anh N. M. N. (35 tuổi, chủ quán chay Bình An) chia sẻ: “Ban đầu quán chỉ phát cơm và mì gói cho người bán vé số, để giúp đỡ họ vượt qua thời gian phải tạm thời ngưng bán, nhưng rồi nhận thấy có nhiều hoàn cảnh khó khăn khác cũng cần được giúp đỡ, nên chúng tôi quyết định sẽ cố gắng phục vụ tất cả người nghèo đến quán. Để giữ an toàn phòng dịch Covid-19 trong những ngày đang thực hiện cách ly xã hội, quán đã trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho tất cả mọi người trước khi lấy phần ăn và nhờ UBND phường hỗ trợ cử người giữ trật tự, hướng dẫn bà con xếp hàng giữ giãn cách tối thiểu là 2m”.


Anh Lê Sơn (33 tuổi, ở quận Bình Tân) đã vận động bạn bè và các nhà hảo tâm quyên góp hơn 1,3 tấn gạo, nước tương, trái cây để trao tặng tận tay người lao động nghèo đang mất việc làm trên địa bàn quận Bình Tân. Anh Sơn cho biết: “Những phần quà tuy giá trị vật chất không nhiều, nhưng đây là lòng chân thành hỗ trợ người lao động, giúp họ bớt đi một phần lo lắng, cùng chung tay vượt qua mùa dịch”.

Tại huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), quán ăn chay Nhất Tâm cũng đang tổ chức phát cơm chay miễn phí cho những người bán vé số, người lao động nghèo, và cho biết sẽ duy trì đều đặn đến khi hết dịch. Chị Giang Thị Kim Cúc (32 tuổi, quản lý quán) chia sẻ: “Thương người dân nghèo lâm vào tình cảnh mất việc làm, không có thu nhập, nhất là người bán vé số phải tạm ngưng công việc đột ngột, nên chúng tôi đang gắng sức giúp đỡ, mỗi ngày nấu và phát tặng 400 - 500 phần cơm mang về. Để tránh lây lan dịch bệnh, chúng tôi yêu cầu mọi người không tụ tập cùng một lúc, nên đến rải rác và giữ khoảng cách 2m khi nhận suất ăn”.

An tâm vượt qua mùa dịch

Những việc nhân ái và có ý nghĩa thiết thực giúp người lao động nghèo đang lan tỏa tình cảm tương thân tương ái, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Cầm trên tay hộp cơm còn nóng hổi, bà Đỗ Thị Cao (60 tuổi, ngụ quận 10) tâm sự: “Tôi làm nghề bán vé số ở TPHCM đã hơn 20 năm, nay phải tạm ngừng công việc đột ngột, mất khoản thu nhập sống qua ngày. Thật tình, tôi rất cảm ơn các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đã nhiệt thành hỗ trợ bữa cơm này, giúp tôi vượt qua những ngày khó khăn này. Mong sao mùa dịch sớm qua, để tôi tiếp tục làm việc, ổn định cuộc sống”.

Cũng đến nhận suất ăn miễn phí từ sáng sớm, ông Đỗ Trọng Hiếu (45 tuổi, bán vé số tại quận 3) bùi ngùi kể: “Từ khi ngưng bán vé số, tôi lo lắng lắm. Thu nhập từ việc này chỉ đủ chạy ăn từng bữa, không có dư để phòng những lúc thất nghiệp, ốm đau. Những suất ăn từ thiện là quà tặng ý nghĩa đối với tôi lúc này, và quan trọng là cho chúng tôi biết mình không bị bỏ rơi”.

Trong khi quyết liệt phòng chống dịch bệnh lây lan, chúng ta không bỏ ai lại phía sau, cần quan tâm hỗ trợ những người nghèo, nhất là những người già yếu, khuyết tật bán vé số đang phải mất việc, không có thu nhập. Vấn đề là làm sao để đảm bảo an toàn phòng dịch. Do vậy, rất cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương để được hỗ trợ, cử người giữ trật tự, giữ khoảng cách an toàn 2m cho những người xếp hàng.

Cụ thể là các nhà hảo tâm và tổ chức từ thiện nên liên hệ chính quyền địa phương để phối hợp chuyển giao tiền và quà đến tận nhà người được giúp đỡ; hạn chế việc tụ tập đông người; trường hợp cần thiết tập trung để trao các suất ăn mang về, nên nhờ địa phương tổ chức xếp hàng có kẻ vạch giãn cách hơn 2m, có phát khẩu trang cho người xếp hàng và có nước rửa tay sát khuẩn để phòng dịch. Chăm lo an sinh xã hội phải song hành với đảm bảo an toàn xã hội.

Các tin khác