Chia sẻ lợi ích, rủi ro cho các dự án xanh

(ĐTTCO) - Chúng ta đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21, bởi sự cấp bách trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trong đó tài chính xanh nổi lên như một cơ chế quan trọng, giúp dòng vốn chảy vào các dự án và sáng kiến bền vững.

Do vậy con đường hướng tới một tương lai xanh với những vấn đề cần được phân tích và triển khai hiệu quả, trước hết giữa ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN).

Kết nối xanh giữa NH và DN

9HH00640 (1).jpg

Trước hết phải hiểu tài chính xanh là gì. Đó là các khoản đầu tư tài chính vào các dự án và giải pháp phát triển bền vững, khuyến khích phát triển một nền kinh tế bền vững, bao gồm các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả, nông nghiệp, sản xuất bền vững và các dự án thân thiện với môi trường. Trong đó, tài trợ xây dựng các trang trại gió hoặc nhà máy điện mặt trời là những thí dụ điển hình về tài chính xanh.

Tại Việt Nam, Chính phủ và các tổ chức tài chính đã và đang triển khai nhiều chương trình để thúc đẩy phát triển tài chính xanh. Trong đó NH đóng vai trò quan trọng, bằng cách cung cấp vốn cần thiết cho các dự án nhắm tới phát triển bền vững; đánh giá tính khả thi của các dự án xanh; quản lý rủi ro tài chính và đảm bảo rằng nguồn vốn được sử dụng hiệu quả.

Bởi việc đầu tư vào các dự án xanh thường có những yếu tố rủi ro cao hơn do tính đổi mới, và đôi khi chưa được chứng minh của các công nghệ liên quan. Thí dụ, một NH tài trợ cho công nghệ nhiên liệu sinh học mới, phải xem xét khả năng thất bại công nghệ hoặc sự từ chối của thị trường.

Bên cạnh NH, DN cũng đóng vai trò quan trọng, vì DN là những người trực tiếp dấn thân vào các dự án xanh, triển khai các công nghệ và thực tế thực hành phát triển bền vững. Do vậy DN có khả năng gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn tài trợ do các rủi ro liên quan đến các dự án xanh.

Chính vì vậy, sự hợp tác giữa NH và DN trở nên cần thiết. Thí dụ một công ty phát triển công nghệ xe điện mới, có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ nếu không có nhà tài trợ sẵn sàng tham gia chia sẻ rủi ro.

Sự cấp thiết của kết nối giữa NH và DN

Trong thực thi tài chính xanh, sự đồng hành, hợp tác và chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa NH và DN là cần thiết. Thứ nhất, rủi ro môi trường là một thách thức lớn đối với các DN trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng quan trọng. Bởi các dự án xanh thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi dài và rủi ro cao. Nếu chỉ một mình DN gánh vác, rất khó để có thể duy trì và tiến tới phát triển bền vững.

Thứ hai, NH không thể đứng ngoài cuộc. Bởi khi cung cấp vốn vay cho các dự án xanh, NH cũng cùng lúc đối mặt với rủi ro môi trường, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro pháp lý.

E3cE7eAcNKjQ7N9fRccL20220323094116_@@@HDB_1648003574737.jpg

Hiện nay, các NH và DN đã và đang cùng trên hành trình xanh, và đến nay đã triển khai các gói tín dụng xanh với những điều kiện cho vay thích ứng với những bối cảnh cụ thể. Thí dụ, HDBank đã ban hành sản phẩm cho vay các dự án năng lượng mặt trời (điện gió, điện áp mái…) từ những năm 2018. Cụ thể từ năm 2018 đến 2023, tổng số tiền giải ngân cho vay dự án năng lượng mặt trời tại HDBank đã lên đến 18.000 tỷ đồng.

Tại HDBank, các khoản vay đối với khách hàng DN nói chung và dự án xanh nói riêng, đều được đánh giá tác động rủi ro về môi trường và xã hội. Mục đích của việc đánh giá này nhằm bảo đảm NH và DN cùng nhận diện, chia sẻ và quản lý những rủi ro được định hình. Qua đó, DN thực hiện các chương trình hành động cần thiết để giảm thiểu, quản lý những yếu tố rủi ro môi trường và xã hội được nhận diện.

Hiện tại HDBank sử dụng các công cụ tài chính phức hợp, như tư vấn phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn từ thị trường có quan tâm vào các dự án xanh phù hợp.

Lấp những khoảng trống

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng còn có những thách thức phải vượt qua. Thứ nhất, thiếu thông tin và dữ liệu. Nhiều DN vẫn chưa có đủ thông tin về các chính sách hỗ trợ tài chính xanh. Thứ hai, năng lực quản lý rủi ro.

Do vậy cả NH và DN phải tự nâng cao năng lực trong việc đánh giá và quản lý rủi ro liên quan đến dự án xanh. Thứ ba, khung pháp lý chưa hoàn thiện. Vì vậy rất cần những quy định pháp lý rõ ràng, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tài chính xanh phát triển

Vấn đề lúc này cần đồng bộ triển khai 4 hành động. Thứ nhất, tăng cường thông tin và đào tạo. Theo đó, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo để nâng cao nhận thức và năng lực cho cả NH và DN. Xây dựng các nền tảng thông tin trực tuyến để cung cấp thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ tài chính xanh.

Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý. Đây là vấn đề lớn Chính phủ và các cơ quan có liên quan cần ban hành thêm các quy định pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án xanh; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các dự án xanh.

Thứ ba, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức quốc tế. Có thể hợp tác sâu rộng hơn đối với các tổ chức tài chính quốc tế như NH thế giới (WB), NH phát triển châu Á (ADB), Công ty tài chính quốc tế (IFC)… để tiếp cận các nguồn vốn và kinh nghiệm triển khai cho vay và quản lý rủi ro các dự án xanh.

Thứ tư, sự chủ động của NH. Theo đó, NH xem tài chính xanh là một chiến lược, trong bối cảnh các NH quốc tế đã quan tâm cho lĩnh vực này với quy mô tăng dần qua các năm.

Bên cạnh đó, sự sẵn có về nguồn vốn tài chính xanh, cùng với chính sách phù hợp, hệ thống quản lý rủi ro đặc thù được áp dụng, cùng hỗ trợ kỹ thuật đối với DN một cách chủ động sẽ tạo điều kiện cho dự án xanh được phát triển cũng như sự gắn kết hơn giữa NH và doanh nghiệp.

Chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững là trách nhiệm chung, đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp của NH, DN và Chính phủ, bằng cách chia sẻ rủi ro liên quan đến tài chính xanh. Chúng ta có thể “mở khóa” tiềm năng của các dự án bền vững, thúc đẩy đổi mới và mở đường cho một tương lai xanh hơn.

Các tin khác