Chiến lược đối phó rủi ro khi bị kiện

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến nay Việt Nam đã phải đối mặt với 50 vụ kiện chống bán phá giá và 4 vụ kiện chống trợ cấp. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hải, Công ty Luật Mayer Brown.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến nay Việt Nam đã phải đối mặt với 50 vụ kiện chống bán phá giá và 4 vụ kiện chống trợ cấp. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hải, Công ty Luật Mayer Brown.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, lý do nào khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hay vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá?

Luật sư NGUYỄN VĂN HẢI: - Có một vấn đề rõ ràng là ngày càng có nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại xảy ra đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, đồng nghĩa với việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng gia tăng. Như vậy, việc gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại nhìn theo một chiều hướng khác lại mang những tín hiệu tích cực.

Nguyên nhân xảy ra các vụ kiện trên có nhiều, nhưng tôi chỉ nêu ra một số vấn đề chính vừa là nguyên nhân và cũng chính là thách thức khi doanh nghiệp Việt Nam phải đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Thứ nhất, hiện nay nhiều nước, chẳng hạn như Hoa Kỳ, vẫn chưa coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mà chỉ là nền kinh tế phi thị trường.

Do vậy, trong việc tính toán biên độ phá giá, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp không được sử dụng, thay vào đó các nước sử dụng giá thành của một nước thứ ba để tính chi phí sản xuất. Việc tính toán theo phương pháp này thường dẫn đến kết quả không phản ánh chính xác chi phí sản xuất, tạo bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Và khi các nước coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, thì khả năng thành công cao hơn khi họ điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam. Vì vậy, điều này một cách gián tiếp khuyến khích các nhà sản xuất tại các quốc gia đó theo đuổi các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng khiến một số doanh nghiệp thua kiện và phải chịu thuế chống bán phá giá là do công tác lưu trữ hồ sơ không rõ ràng, cẩn thận, doanh nghiệp không được tổ chức tốt.

Một doanh nghiệp có tính tổ chức cao và thực hiện tốt công tác lưu trữ hồ sơ sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tham gia trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra của quốc gia tiến hành điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam. 

Mặt hàng cá tra xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn khi liên tục bị kiện bán phá giá. 

Mặt hàng cá tra xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn khi liên tục bị kiện bán phá giá.  

- Có ý kiến cho rằng tự các doanh nghiệp “giết” nhau thông qua việc phá giá?

- Đúng là có phản ánh về việc doanh nghiệp Việt Nam tự hạ giá ở thị trường nước ngoài. Đó cũng là điều khó tránh khỏi trong kinh doanh. Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường muốn bán giá thấp để tiêu thụ sản phẩm, qua đó giành lấy thị phần cho mình.

Điều này hiển nhiên không tốt cho toàn ngành công nghiệp, đặc biệt khi liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá. Đây cũng là vấn đề các hiệp hội ngành nghề rất lưu tâm và đã có nhiều cuộc thảo luận để tìm kiếm giải pháp nhằm hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm việc tuân thủ các quy định liên quan của pháp luật.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, sẽ rất khó để các doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung, bởi doanh nghiệp đi trước muốn giữ thị phần, trong khi doanh nghiệp đi sau lại muốn mở rộng và phát triển thị phần.

- Vậy doanh nghiệp nên làm như thế nào để hạn chế các vụ kiện chống bán phá giá?

- Như tôi đã nói ở trên, việc gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại hiện nay là một xu thế tất yếu, không chỉ đối với Việt Nam mà với tất cả các nước khác, đặc biệt là các nước xuất khẩu. Do vậy, việc hạn chế các vụ kiện phòng vệ thương mại gần như nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp.

Thay vào đó, doanh nghiệp cần chú trọng vào công việc chuẩn bị để đối phó và có thể thành công khi có vụ kiện phòng vệ thương mại khởi xướng. Việc đầu tiên là doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu về các vụ kiện phòng vệ thương mại như là các rủi ro trong kinh doanh.

Từ việc biết và hiểu về rủi ro, các doanh nghiệp mới có thể có chiến lược đối phó với rủi ro đó. Sau khi đã hiểu được bản chất của rủi ro, doanh nghiệp với sự nhạy bén của mình sẽ tìm được chiến lược phù hợp để chuẩn bị đối phó với các vụ kiện có thể xảy ra.

Chiến lược chung có thể là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu như là một cách phân tán rủi ro; phương pháp ghi nhận các yếu tố sản xuất vào hồ sơ tài chính, phương pháp lưu giữ hồ sơ…

- Khi bị kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp cần làm gì để khả năng thắng là cao nhất?

- Trong tình trạng gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại hiện nay, việc phòng bệnh rất quan trọng. Tuy nhiên một khi đã phát bệnh, nghĩa là đã có vụ kiện được khởi xướng và doanh nghiệp đã quyết định tham gia (vì doanh nghiệp có thể chọn không tham gia mà từ bỏ thị trường để chuyển sang thị trường khác), doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực (tài chính và nhân sự) để theo đuổi vụ kiện đến cùng. Mọi sự tham gia nửa vời đều dẫn đến kết quả bằng 0 và chỉ gây tốn kém cho doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác