Chiều 4-9, mưa kèm theo dông lốc tại TPHCM diễn ra từ 15 giờ đến 15 giờ 40 phút, đã làm gãy đổ hàng chục cây xanh trên khắp địa bàn thành phố, nhiều cây cổ thụ bật gốc đổ xuống đường, nhiều nhánh cây lớn tét nhánh đè lên nhà cửa.
Trận mưa lớn kèm dông lốc này làm 1 người chết, nhiều người bị thương, hư hỏng nhiều xe hơi, xe máy, nhà cửa, tường rào, cửa hàng và làm sập đổ nhiều biển quảng cáo cỡ lớn trên các trục đường. Vì sao vậy? Có cần một giải pháp nào chống đỡ không?
Trước đó sáng ngày 9-8, tại công viên Tao Đàn cũng đã có hiện tượng gãy nhánh cây dầu làm 2 người tử vong và 3 người bị thương. Nếu nhìn lại thì chừng 10 năm nay, hầu như năm nào cũng có người bị thương, bị chết, tài sản bị hư hỏng vì cây xanh gãy đổ.
Và một kịch bản xử lý giống nhau, ngay lập tức các nhân viên của công ty cây xanh đến thu dọn hiện trường, bên công ty cử người đến thăm hỏi chia buồn và có hỗ trợ tài chính. Còn dư luận xã hội xôn xao mấy ngày rồi lắng xuống, mọi người chép miệng cho là “số”, bên liên đới cho là tại trời mưa, gió lớn, và sau đó nhân viên công ty công viên cây xanh cắt cử nhau đi xem cây để tỉa nhánh, cắt cành, hạ cây khô…
Nếu cứ như thế này, kịch bản trên cứ lặp đi lặp lại hàng năm, còn người dân luôn thấy bất an khi ra đường không phải những ngày mưa mà cả mùa khô nữa, không biết “trời giáng” vào đầu lúc nào.
Thực ra biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cực đoan, xuất hiện những cơn mưa có vũ lượng lớn, thời gian dài và kéo theo đó là gió lốc. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM gió trở nên dữ dội hơn ở vùng nông thôn, được gọi là những cơn gió xoáy có tốc độ lớn và luôn đảo chiều ngoài dự tính.
Nguyên do ở các thành phố lớn có rất nhiều nhà cao tầng đứng sát nhau, như các bức tường kéo dài tạo ra các khe hút gió, hình thành nên các dòng sông gió trên cao; hoặc các cao ốc đứng so le nhau, tạo ra các nút xoắn vặn dòng gió đảo hướng không theo quy luật.
Chính những dòng sông gió với vận tốc trên 2.000km/giờ này, nó đã quật đổ những gì trên đường cản như bảng quảng cáo, cửa kính cao tầng, mái nhà, cổng, nhà không kiên cố, các kios, đặc biệt là các cây xanh cao tầng có tán rộng và cao niên.
Vậy nhưng cho đến lúc này, chưa thấy có một cuộc khảo sát sâu một cách khoa học nào diễn ra một cách thật bài bản. Lẽ ra, ngay sau lốc xoáy, hàng chục cây xanh gãy đổ cần giữ lại tại hiện trường (tất nhiên không làm ảnh hưởng giao thông), để cho các chuyên gia giỏi đến khảo sát, đánh giá xem những cây này đổ là do những nguyên nhân nào.
Chẳng hạn như do bộ rễ ăn không đủ sâu, rễ bị mục, tán quá nặng, tuổi thọ quá lâu, thân cây có bọng, do đất bị bê tông hóa khiến cây không phát triển được, loại cây giòn dễ gẫy không chịu được gió xoáy; đồng thời quan sát ghi nhận địa hình, địa vật, hướng gió, và những công trình xây dựng (như chiều cao, khối đế, mặt dựng, độ vuốt của các khối, vật liệu xây dựng) tác động như thế nào đến hướng gió, cũng như mật độ dân cư sinh sống, lưu lượng xe người qua lại, các hoạt động dịch vụ (trường học, y tế, quán ăn...) bên dưới các hàng cây.
Tất cả những thông tin đó giúp nhà chức trách, đơn vị chức năng đi đến quyết định mang tính chiến lược là thành phố này, vùng đất này, con đường này chỉ có thể trồng được loại cây như thế này (có chiều cao, tán rộng, thân dẻo, không che chắn tầm nhìn) thì an toàn; những loại cây cổ thụ dù hoành tráng, có tuổi đời hàng trăm năm, nhưng không còn phù hợp nữa do cao quá không chịu được gió xoáy, rễ làm phá công trình ngầm phải được thay thế; những loại cây nào đẹp nhưng độc hại, nhiều sâu phải hạn chế trồng.
Có thể những hàng cây dầu, cây phượng rất đẹp, gắn bó với thành phố này rất lâu, nhưng nguy hiểm đến tính mạng vẫn phải thay thế, chứ không chỉ dừng ở chỗ tỉa nhánh, cắt cành.
Khi có những nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bài bản, người dân sẽ hiểu, thông cảm và không có phản ứng thái quá khi chặt bỏ cây xanh để bảo vệ con người, bởi sinh mạng con người là trên hết. Bởi thời gian qua, công ty công viên cây xanh thành phố luôn chịu áp lực của dư luận xã hội, cho là phá hủy những cây xanh ký ức là phá hủy di sản, cho nên dù công nhân nhận thấy cái cây đó đã hết vòng đời cần hạ bỏ, nhưng lại nhát tay không dám hạ mà chỉ tỉa nhánh, sợ đụng vào dư luận.
Ở các nước như Hà Lan, Singapore, Đức, Nhật Bản không bao giờ trồng cây tùy tiện và ngẫu hứng như ở ta. Họ có các viện nghiên cứu cây xanh rất hiện đại và bề thế. Họ có trách nhiệm nghiên cứu, chỉ dẫn cho chính quyền và hướng dẫn cho nhân dân trên con đường đó, khu vực đó chỉ nên trồng loại cây gì, cao bao nhiêu, tán rộng bao nhiêu.
Tại sao Singapore là đảo quốc chịu tác động trực tiếp của gió, bão mà tỷ lệ cây xanh bị gãy đổ thấp, vì họ có quy định rất chặt chẽ thành pháp lệnh về cây trồng. Dựa trên các nghiên cứu khoa học về điều kiện tự nhiên và quy hoạch kiến trúc của Singapore, Chính phủ của đảo quốc này xác định 5 loài cây chủ lực được trồng trên đường phố.
Đó là các loài cây lim sét, lọng ô, muồng tím, angsana và xà cừ. Mỗi loại cây này đều có một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật như khống chế chiều cao, tuổi đời, vòng tán, và quy định chế độ chăm sóc cũng như các quy định không được làm ảnh hưởng đến cây từ các công trình giao thông, xây dựng nhà cửa, cũng như mức phạt vi phạm đến cây xanh rất cao.
Những định hướng, kết luận của các viện nghiên cứu nổi tiếng chuyên về cây xanh của Singapore, của Hà Lan, bao giờ cũng được Chính phủ và người dân đón nhận, vì tính chất nghiêm túc và độ tin cậy khoa học của nó.
Ở Việt Nam hiện nay chưa có một viện nghiên cứu độc lập, hay một khoa trong trường đào tạo chuyên về cây xanh, thảm thực vật. TPHCM với hơn 13 triệu dân, diện tích 2.100km2, mà không có lấy một đơn vị chuyên nghiên cứu bài bản về cây xanh phục vụ cho phát triển.
Dường như việc trồng cây, chặt cây đều tự phát, phần nhiều phụ thuộc vào các nhà buôn bán cây xanh và sáng kiến của lãnh đạo. Còn nhớ Hà Nội bỏ ra nhiều chục tỷ đồng để nhập cây Phong lá đỏ từ xứ lạnh, sau 3 năm phải nhổ bỏ toàn bộ; hay việc phải chặt bỏ hàng loạt cây hoa sữa cho bớt mùi nồng nặc, là những thí dụ cho thấy sự tùy tiện cho việc trồng hay bỏ cây xanh.
Đã đến lúc TPHCM cần có những quyết sách rõ ràng, mạch lạc hơn với việc trồng, bảo dưỡng, thay thế cây xanh một cách bài bản khoa học, nếu không cây xanh được coi là phần hồn đô thị lại trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra đường, nhất là vào mùa mưa.