Lao dốc kinh hoàng
Chuỗi ngày kinh hoàng của FTM bắt đầu từ phiên giao dịch 15-8, khi mã CP này còn trên mốc 24.000 đồng/CP. Tính đến phiên giao dịch 13-9, FTM có 21 phiên giảm sàn liên tục, rơi từ mức giá trên 2.4 xuống chỉ còn hơn 0.5.
Đáng chú ý, trong những phiên giảm giá này, lực cầu bắt đáy gần như không có, trong khi lệnh bán từ NĐT muốn cắt lỗ, cộng với lệnh bán giải chấp từ các CTCK, khiến FTM luôn trong tình trạng dư bán sàn hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu CP. Cũng vì vậy, FTM càng xuống thấp áp lực bán ra càng gia tăng khiến NĐT nắm giữ CP như ngồi trên lửa.
Dù FTM rơi vào tình trạng bán tháo, nhưng đến ngày 10-9, lãnh đạo FTM mới phát đi thông báo đến cổ đông và NĐT. Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT, thị trường xuất hiện một số bài viết trên các trang mạng mang tính chất định hướng dư luận không đúng sự thật về những thông tin liên quan đến FTM. Những thông tin không xác thực này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh công ty và tâm lý NĐT.
“Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ các thông tin. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ đại diện một số CTCK, NĐT để làm rõ các tin đồn thất thiệt, quy chụp gây ảnh hưởng đến uy tín công ty” - ông Giang cho biết.
Thế nhưng, giải trình đổ lỗi cho thị trường của lãnh đạo FTM không khiến cổ đông yên tâm, thậm chí phản ứng gay gắt. Theo giới phân tích, FTM rơi vào tình trạng hỗn loạn một phần đến từ kết quả kinh doanh đang trên đà sa sút của doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính bán niên 2019, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 459 tỷ đồng (giảm 24%) và lợi nhuận âm 31 tỷ đồng.
Nguyên nhân, theo giải trình của FTM do ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế có tới 25% mặt hàng vải. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam, do 70% lượng sợi được xuất sang Trung Quốc.
Không riêng FTM, các đơn hàng xuất khẩu sợi của Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, giá xuất khẩu còn bị ép giảm mạnh do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
Không còn cá biệt
Không còn cá biệt
Trước FTM, giới đầu tư đã chứng kiến nhiều hiện tượng tương tự. Đơn cử trường hợp của CTCP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (CDO). Cuối năm 2017, UBCKNN bất ngờ nhận được thông báo của Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án hình sự thao túng giá CK đối với mã CP CDO. Cụ thể, Cơ quan An ninh điều tra (Công an TP Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang, nguyên Giám đốc CTCK Ngân hàng Đông Á, chi nhánh Hà Nội, về tội thao túng giá CK theo quy định tại Điều 181c Bộ luật Hình sự.
Theo thông tin công bố, bị can Giang đã sử dụng chứng minh nhân dân nhiều khách hàng để thành lập các công ty, mở tài khoản CK để tiến hành giao dịch chéo CP CDO nhằm thu lợi bất chính.
Sau thông tin trên, CDO rơi vào chuỗi ngày giao dịch thảm họa với 34 phiên giảm sàn liên tục, kéo giá CP từ mức 35.000 đồng/CP xuống còn 3.000 đồng/CP. Chưa kịp hoàng hồn với đợt lao dốc, cổ đông CDO lại đón nhận thêm tin xấu, khi HOSE quyết định đưa CP vào diện tạm ngừng giao dịch do doanh nghiệp này liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên TTCK.
Dù mã CP này đã được giao dịch trở lại trên UPCoM, nhưng với mức giá hiện tại chỉ 900 đồng/CP, CDO vẫn còn là nỗi ám ảnh của các NĐT trót đặt nhầm niềm tin vào doanh nghiệp này.
Không có chuỗi phiên giảm sàn liên tục, nhưng không ít NĐT nắm giữ CP YEG (CTCP Tập đoàn Yeah1), hay SJF (CTCP Đầu tư Sao Thái Dương), cũng rơi vào tình trạng cháy tài khoản do CP giảm sâu sau nghi vấn thao túng giá. Cụ thể, YEG sau khi được đẩy lên đỉnh 343.000 đồng/CP (phiên giao dịch 28-6-2018) nay chỉ còn 50.000 đồng/CP (giảm 85%). SJF từ đỉnh 28.000 đồng/CP (phiên giao dịch 24-8-2018) nay chỉ còn 2.400 đồng/CP (giảm hơn 90%).
Trước đó, ĐTTC đã từng có nhiều bài viết phản ánh về nghi vấn thao túng giá CP của 2 mã CP này: “Ai đánh xuống SJF?”, “YEG có dấu hiệu giao dịch nội gián”, “Thương vụ mua bán cổ phần YEG bị tuýt còi”, “Mất niềm tin, YEG bị bán tháo”.
Nhận diện chiêu trò
Nhận diện chiêu trò
Không có nguyên tắc chung để tránh mua những mã CP bị làm giá. Do đó, NĐT phải tự bảo vệ mình bằng cách trang bị kiến thức về dòng tiền, kiểm soát lòng tham và đừng nghĩ mình luôn là người chạy được trước khi đạt đỉnh. |
Điều quan trọng NĐT phải luôn trong trạng thái "để tay lên chuột" bấm nút bán bất kỳ lúc nào.
Theo ông Khánh, cơ quan quản lý như UBCKNN hay sở giao dịch CK cần kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết, tránh tình trạng làm đẹp báo cáo tài chính thu hút sự chú ý của NĐT. Với những doanh nghiệp đã lên sàn, nếu phát hiện cũng phải có biện pháp mạnh. Sở giao dịch CK cần có những cảnh báo với các CP tăng giá bất thường, thay vì khi CP tăng giảm bất thường mới đi giải trình.
Việc này sẽ có tác dụng cảnh báo tới NĐT về những giao dịch bất thường của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, cũng như báo cáo tài chính của các công ty. Đặc biệt, những chiêu trò làm giá CP cần phải xử lý mạnh tay hơn để có yếu tố răn đe, không phải phạt tiền là xong.