Chiêu 'thao túng tâm lý' lừa khách xem đất dự án

(ĐTTCO) - Mặc dù thị trường bất động sản đang trầm lắng, nhưng không vì vậy mà việc mua bán đất nền bớt náo nhiệt.
Khoảnh đất đang san lấp, đã được rao bán đất nền dự án khu dân cư ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An
Khoảnh đất đang san lấp, đã được rao bán đất nền dự án khu dân cư ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

Lôi kéo khách hàng

Tại thời điểm này, người đi đường dễ dàng nhìn thấy hàng chục nam thanh, nữ tú ăn mặc sang trọng, tay ôm khư khư hồ sơ đứng tụ tập ở nhiều tuyến đường. Đó là các nhân viên môi giới của tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản nào đó đang chuẩn bị đưa khách đi xem đất dự án.

Qua tờ rơi quảng cáo, ông Huỳnh Văn Trí (55 tuổi, nhà ở quận 10, TPHCM) cùng vợ nhận lời mời đi xem một dự án đất ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Ông Trí kể: “Ồn như cái chợ, không khác gì một buổi sơn đông, mãi võ”. Các nhân viên môi giới đeo bám từng khách hàng để giới thiệu viễn cảnh tươi đẹp của khu đất mà họ đang rao bán. Trên sân khấu, người dẫn chương trình liên tục hối thúc người mua, thông báo “giờ vàng” và tung ra nhiều chiêu trò khuyến mãi.

Cụ thể như tặng ngay 1 cây vàng cho 10 khách hàng đặt cọc đầu tiên, hay tặng chiếc xe SH trị giá hơn 100 triệu đồng. Đất ở tuốt trong ruộng, nhưng họ luôn miệng nói là trong thời gian ngắn nữa, chính quyền địa phương sẽ xây dựng trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại.

Đìu hiu như vậy, không biết lúc nào thực hiện. Nhưng các nhân viên vẫn rao bán và hối thúc vợ chồng tôi đặt cọc. "Khi tôi nói không mang theo tiền, nhân viên môi giới bảo cứ ký rồi về nhà thanh toán cũng được. Thậm chí, họ còn hỗ trợ chuyển khoản với các hợp đồng ký ngay tại chỗ”, ông Trí kể.

Sáng cuối tuần, bà H.T.T. (59 tuổi, ngụ phường 1, quận 5, TPHCM) nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ. Cô ta cho biết công ty của mình đang tổ chức hội nghị khách hàng. Người tham dự sẽ có cơ hội nhận được 1 combo du lịch trọn gói 2 người trong 3 ngày, 4 đêm ở một khu nghỉ dưỡng sang trọng trên đảo Phú Quốc.

Nhân lúc rảnh rỗi, bà T. nhận lời tham dự. Địa điểm xuất phát là một công ty bất động sản ở đường Nguyễn Ngọc Lộc, phường 14, quận 10. Ngoài bà T., 2 nhân viên môi giới, trên ô tô còn có một khách tham dự hội nghị khác. Chiếc ô tô chạy thẳng lên huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Hơn 9 giờ, hội nghị khai mạc.

Bà T. cho biết: “Lúc này, tôi mới biết đó là hội nghị mở bán đất nền. Thực sự, tôi không có ý định mua bán đất nền nên không đặt cọc mua nền đất. Sau hội nghị, chúng tôi được đưa vào nhà hàng dùng cơm rồi về lại TPHCM”.

Bị thao túng tâm lý

Trên đường về, nhân viên môi giới nhận được một cuộc gọi. Đó là một khách hàng ở Hà Nội gọi vào để tham gia hội nghị. Tuy nhiên, do máy bay hoãn chuyến nên không thể tham dự. Ông ta mong muốn được mua 1 nền đất mà công ty vừa mở bán.

Nhân viên môi giới cho biết các nền đã được đặt cọc hết, nếu ông muốn tham gia thì nhân viên sẽ tìm người nhường lại, nhưng giá cao hơn 300 triệu đồng. Ông khách đồng ý.

Vừa dứt cuộc gọi, nhân viên môi giới liền nói với bà T.: “Cơ hội đó! Chị “lướt sóng” đi. Trong vòng 3 ngày, công ty sẽ hoàn tất thủ tục, bàn giao sổ đỏ cho chị đi sang tên. Nhưng, chị nhớ cho tiền “cà phê” cho tụi em với nha!”.

Nhẩm tính thấy đóng gần 3 tỷ đồng, 3 ngày sau lời được 300 triệu đồng nên bà T. đồng ý. Để đảm bảo thủ tục mua, bán, ngoài số tiền đặt cọc 100 triệu đồng, bà T. phải đóng hơn 50% giá trị nền đất. Vừa về thành phố, bà T. đến ngay ngân hàng rút 1,5 tỷ đồng để đóng tiền đất.

Lúc này, “ông khách miền Bắc” đang đợi ở công ty, đưa 100 triệu đồng và ký một thỏa thuận đặt cọc mua lại đất của bà T. Trong đó, có điều khoản là nếu ông không mua lại đất của bà T. thì sẽ mất cọc 100 triệu đồng, nếu bà T. không bán thì sẽ đền 300 triệu đồng!

Về đến nhà, bà T. kể chuyện “lướt sóng” mua đất cho người thân nghe. Ai cũng ngờ ngợ có chuyện gì đó không bình thường. Số tiền lời cũng kha khá, tại sao nhân viên môi giới không làm luôn mà lại “nhường” cho bà T.?

Qua các mối quan hệ xã hội, bà T. được biết giá đất ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai không đến mức công ty đưa ra. Bà T. liền điện thoại cho công ty xin thanh lý hợp đồng và chịu nộp phạt. Tuy nhiên, trong hợp đồng mà bà T. đã ký tên, lăn tay có điều khoản nếu bên B. (tức bà T.) chấm dứt hợp đồng thì sẽ mất toàn bộ số tiền đã nộp (hơn 1,5 tỷ đồng).

Sau thời gian dài thương lượng, công ty đồng ý cho bà T. thanh lý hợp đồng, nhưng phải “bảo lưu” 500 triệu đồng. Số tiền này sẽ được cấn trừ nếu bà T. mua nền đất khác mà công ty bán.

Cầm xấp hợp đồng dày hơn 10 trang giấy A4 trên tay, luật sư Nguyễn Văn Hải (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận xét: “Tôi đoan chắc rằng, trước khi ký tên vào từng tờ và ký tên, lăn tay trang cuối thì bà T. chưa từng đọc qua hợp đồng này. Rõ ràng bà T. đang bị thao túng tâm lý với sự thúc giục của các nhân viên môi giới trong lúc ký hợp đồng. Thậm chí, bà ký luôn cái thỏa thuận đặt cọc rất vô lý với ông khách nào đó ngoài Hà Nội vào. Hợp đồng ký rồi thì là hợp pháp, do vậy chỉ còn cách thương lượng để lấy lại tiền, coi như của đổ, hốt lại”.

Các tin khác