Chính sách bảo hộ toàn diện của Mỹ, thách thức cho châu Á

(ĐTTCO) - Theo Financial Times, những nền kinh tế châu Á từng được hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn 2016-2020 được dự báo chật vật hơn nhiều trong 4 năm tới.

Tăng trưởng của châu Á lệ thuộc vào xuất khẩu, các nước trong khu vực đang gấp rút tìm chìa khóa để đối thoại với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Đích nhắm Trung Quốc

Trong nhiệm kỳ đầu (2016-2020), ông Donald Trump đã sử dụng lá bài bảo hộ với tất cả đối tác thương mại của Mỹ. Lần này, theo Deutsche Welle, Đông Nam Á đã chuẩn bị tốt hơn để đối đầu với cuộc chiến thương mại thứ hai.

Theo thẩm định của cơ quan tư vấn kinh tế độc lập Oxford Economics, kim ngạch xuất khẩu của cả khu vực châu Á, không kể Trung Quốc, sẽ giảm 3% nếu ông Donald Trump dựng lại các hàng rào thuế quan như từng cam kết trong thời kỳ vận động tranh cử.

Hàng hóa tại cảng biển Lianyungang ở TP Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc là mục tiêu chính mà nhóm cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ nhắm tới. Bằng chứng là ông Donald Trump mời 2 nhân vật có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh là nghị sĩ Marco Rubio và nghị sĩ Mike Waltz tham gia nội các ở 2 vị trí quan trọng: Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia. Kèm theo đó là chủ trương đánh thuế đến 60% vào hàng Trung Quốc bán sang Mỹ.

Theo Hãng tin Reuters, Bắc Kinh đang không ở thế mạnh. Thứ nhất, tăng trưởng của Trung Quốc đang sa sút. Thứ hai, dưới nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump, Bắc Kinh đã bội ước cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng của Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Lần này, những hứa hẹn của Trung Quốc khó thuyết phục được Tổng thống đắc cử của Mỹ.

Thứ ba, Bắc Kinh không có phương tiện để “ăn miếng trả miếng” với Washington. Trung Quốc không thể áp dụng cách tương tự Mỹ là áp dụng các hàng rào thuế quan đánh vào hàng Mỹ khi mà tiêu thụ nội địa tại Trung Quốc yếu, trong lúc đang cần xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ để bảo đảm tăng trưởng nội địa.

Hơn nữa, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã vượt ngưỡng 500 tỷ USD, lớn gấp 3 lần so với tổng kim ngạch nhập khẩu từ xứ Cờ hoa. Theo ước tính của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), nếu ông Donald Trump áp thuế 60% đánh vào xuất khẩu của Trung Quốc, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 12 tháng sắp tới sẽ giảm mất 50% (còn khoảng 2,5%/năm).

Nhật Bản, Hàn Quốc và cả lãnh thổ Đài Loan có thể cũng bị liên lụy. Theo Báo Japan Times, hiện có hơn 20.000 doanh nghiệp Nhật Bản vừa và nhỏ đang hiện diện tại Trung Quốc và ý thức được khó khăn nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ.

Chỉ riêng trong ngành ô tô, việc ông Donald Trump báo trước một cuộc chiến thương mại với cả Mexico và Canada là cú sét ngang tai với các hãng xe Nhật do đã mở nhà máy tại Mexico.

Lá bài mặc cả?

Chuyên gia kinh tế Antoine Bouet, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng và thông tin quốc tế (CEPII), cho rằng cuộc chiến thương mại có nguy cơ nhanh chóng mở màn, căn cứ vào những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Giáo sư Thomas Porcher, trường quản trị kinh doanh Paris School of Business nhắc lại Mỹ có truyền thống bảo hộ lâu đời. Ông Donald Trump không phải là vị tổng thống đầu tiên đi theo khuynh hướng đó. Trên tờ giấy bạc mệnh giá 10 USD của Mỹ là bức chân dung vị Bộ trưởng Tài chính đầu tiên Alexander Hamilton với chủ trương bảo vệ nền công nghiệp còn non trẻ của nước Mỹ.

Còn trên tờ giấy bạc 1 USD là hình ảnh của George Washington, người đầu tiên tuyên thệ nhậm chức tổng thống trong một bộ y phục được sản xuất 100% tại Mỹ. Có chăng, ông Donald Trump chỉ áp dụng chính sách bảo hộ một cách quyết liệt hơn so với các đời tổng thống tiền nhiệm từ 3 thập niên qua.

“Tăng thuế là để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa, nhưng đổi lại, người tiêu dùng chịu trả giá đắt hơn. Hiện nay, để có được một thành phẩm, các nhà sản xuất nhập khẩu nhiều phụ tùng từ nước ngoài, chẳng hạn hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ cần nhập phụ tùng của nhiều nước, nhất là của Pháp. Vậy đánh thuế nhập khẩu 10% vào các phụ tùng này bất lợi cho chính Boeing và sẽ tác hại đến khả năng cạnh tranh của chính các tập đoàn Mỹ”, chuyên gia Bouet nói.

Về mặt chính trị, chủ trương tăng thuế vừa dễ hiểu vừa có sức thuyết phục lớn trong cuộc vận động tranh cử. Ông Donald Trump, ở nhiệm kỳ tổng thống trước, đã chứng minh mình là một chính khách dám nói, dám làm. Song, theo quan điểm của chuyên gia Bouet, việc tỷ phú Scott Bessent, một cố vấn kinh tế thân cận của Tổng thống đắc cử, được đề cử làm người đứng đầu Bộ Tài chính cho thấy Washington có vẻ muốn dùng đòn thuế quan để mặc cả với các đối tác.

“Có khả năng ông Donald Trump không thi hành các biện pháp đã loan báo nhưng sử dụng lá bài thuế hải quan này như một công cụ để đàm phán, buộc các đối tác của Mỹ phải nhượng bộ. Ông Scott Bessent có chủ trương khai thác các hàng rào thuế quan như các công cụ để gây sức ép với các đối tác của Mỹ”, ông Bouet nhận định.

Các tin khác