Để phát triển ngành ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương đã xây dựng Quy hoạch phát triển ô tô Việt Nam đến năm 2012, tầm nhìn đến năm 2020. Trong quy hoạch này, nhiều mục tiêu quan trọng đề ra với mong muốn đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sánh ngang một số nước trong khu vực.
![]() |
Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương, sau hàng chục năm thực hiện chỉ có một tiêu chí về xuất khẩu linh kiện là vượt chỉ tiêu. Còn lại tất cả các mục tiêu về số lượng, tỷ lệ nội địa hóa… cũng như các tiêu chí thể hiện sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô như sản xuất hộp số, động cơ đều không đạt được mục tiêu đề ra.
Chẳng hạn theo quy hoạch, đến năm 2010, các doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ sản xuất được khoảng 100.000 động cơ diesel từ 80-400 mã lực, nhưng thực tế mãi đến năm ngoái, mới có một công ty duy nhất đầu tư nhà máy sản xuất loại sản phẩm này, khoảng 2 năm nữa mới đi vào hoạt động và động cơ chỉ đạt từ 63-155 mã lực.
Còn đối với các sản phẩm hộp số, cụm truyền động đều chưa có DN nào đầu tư thực hiện dù theo quy hoạch trong năm 2010 các sản phẩm này phải đạt 100.000 bộ cho mỗi loại.
Nguyên nhân ngành công nghiệp ô tô vẫn dậm chân tại chỗ do các chính sách hỗ trợ để phát triển theo quy hoạch chưa đồng hành với ngành. Muốn công nghiệp ô tô phát triển cần phải kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, nhưng mức thuế khi mua ô tô lại quá cao, các loại phí liên tục được ban hành đã hạn chế sự tăng trưởng của ngành.
Mâu thuẫn với các loại thuế, phí là cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, thậm chí còn xuống cấp. Điều này khiến số ô tô bán ra khó tăng trưởng. Hơn 10 năm qua, chính sách dành cho ngành ô tô mỗi năm thay đổi 3-4 lần khiến thị trường liên tục biến động, DN nhiều lần lao đao.
Đồng thời, số DN tham gia vào ngành công nghiệp ô tô cũng tăng dần nhưng đa số chỉ mới hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng, linh kiện có hàm lượng công nghệ thấp, giá trị thấp và chưa có chính sách nào hỗ trợ lĩnh vực này. Điều này khiến sản lượng của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thị trường của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô.
Vì lý do đó, các DN ngoại đã có mặt tại Việt Nam không mặn mà mở rộng hoạt động còn các đối tác nước ngoài cũng thẳng thừng từ chối khi các DN Việt Nam mời gọi đầu tư.
Mục tiêu lớn nhưng các chính sách đề ra lại mâu thuẫn nên nhìn vào ngành ô tô Việt Nam, nhiều DN chỉ lắc đầu cho rằng các chính sách trên đang khiến ngành ô tô kinh doanh theo kiểu chụp giật chứ chưa tạo điều kiện để đầu tư ổn định, lâu dài.