Đoàn thể có cách làm của đoàn thể, cá nhân có cách cứu trợ của cá nhân, nhưng tất cả đều chung mục đích nhường cơm sẻ áo cho miền Trung ruột thịt. Thế nhưng, có một điều khiến nhiều người băn khoăn là đã có Nghị định 64/2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng… nhưng vì sao những tấm lòng hảo tâm vẫn muốn đóng góp cho các nhân?
Không phải ngẫu nhiên, UBND huyện Hải Lăng - Quảng Trị phát ra thông cáo yêu cầu các nhà hảo tâm phải tập hợp hàng hóa cứu trợ về UB Mặt trận Tổ quốc của địa phương, rồi sau đó chính quyền cân đối và phân phối cho bà con bị ảnh hưởng thiên tai. Thông cáo của UBND huyện Hải Lăng - Quảng Trị không hề sai về mặt pháp luật. Theo Nghị định 64/2008 chỉ có UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ và các quỹ xã hội từ thiện được cấp phép, mới có quyền tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mưa bão cực kỳ phức tạp đang đòi hỏi huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác cứu trợ, thì thông cáo trên hơi vội vàng. Bởi lẽ, giữa điều kiện bất thường thì cần châm chước cho những hành vi phi thường có yếu tố tích cực. Nếu soi xét khắt khe, thì đợt vận động của ca sĩ Thủy Tiên lẫn những người nổi tiếng khác như danh hài Hoài Linh, MC Trấn Thành hoặc Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền… đều không được sự thừa nhận của pháp luật. Vậy cách nào để đồng bào đang cay cực vì thiên tai được giúp đỡ nhanh nhất, mà hoạt động thiện nguyện của cá nhân có thể tránh những rắc rối lẫn thị phi?
Thực ra đâu cần phải là nhân vật lừng lẫy mới nỗ lực cứu trợ đồng bào bị thiên tai. Hãy nhìn những nồi bánh chưng, bánh tét của người dân nghèo các tỉnh Đắk Lắk, Tây Ninh, Bình Phước, Gia Lai, Bình Dương… đang đỏ lửa giữa canh khuya để kịp mang đến cho đồng bào miền Trung. Ở đó họ không có toan tính gì, chỉ có tấm lòng “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Ở đó có cả những người không sao chợp mắt vì xót xa miền Trung ngập chìm trong bão lũ. Những chiếc bánh ân tình kia, nếu phải thông qua các tổ chức được phép tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ, thì không phải thêm một chặng đường gập ghềnh và mệt mỏi sao?
Bình thường, công tác cứu trợ do cá nhân đứng ra thực hiện đã không dễ tránh khỏi những sơ sót. Việc kêu gọi quyên góp qua mạng xã hội càng tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn hơn. Lòng tốt của ca sĩ Thủy Tiên và nhiều hoạt động cứu trợ do các cá nhân đăng cai đã và đang diễn ta rất sôi nổi rất đáng hoan nghênh, hàng ngàn chuyến xe chở lương thực và thuốc men đang đổ dồn về miền Trung.
Nhưng cũng đã có những cảnh báo trong việc cứu trợ tại Quảng Bình trên một phóng sự trên Đài truyền hình Việt Nam đã ghi nhận: “Công tác cứu trợ của những đoàn thiện nguyện không những không đạt hiệu quả, mà còn ảnh hưởng tới công tác cứu trợ của chính quyền địa phương nơi đây.
Việc tự di chuyển bằng tàu thuyền của các đoàn thiện nguyện tự đi còn ảnh hưởng thêm cho người dân nữa. Ví dụ đi bằng những tàu thuyền to mà không biết cách điều chỉnh tốc độ, sẽ có thể làm sóng đánh vào những nhà dân, trong khi các nhà dân hiện nay đã bị ngập sâu nhiều ngày, có thể dẫn tới sụp đổ nhà dân”.
Công tác từ thiện, dù cá nhân hay tổ chức làm đầu mối, thì quan trọng nhất vẫn là sự tin cậy và sự minh bạch. Ngay trong không khí cứu trợ nóng bỏng ở miền Trung, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết đã cấp 22 tấn lương khô cho các tỉnh miền Trung và đề nghị lãnh đạo địa phương đưa lương khô vào ngay cho dân vùng lũ, với lý do: “Vừa rồi chúng tôi phát hiện một số lãnh đạo địa phương (cấp cơ sở) chia lương khô cứu trợ cho cán bộ như làm quà, vì thứ này ngon. Như thế là hỏng hết. Lương khô này gửi cho dân. Người dân đang cần!”.
Việt Nam đang đối mặt biến đổi khí hậu toàn cầu, có lẽ đã đến lúc phải có những chính sách mới để khuyến khích tinh thần “lá lành đùm lá rách” hiệu quả hơn và rộng mở hơn.