Giới phân tích nhận định kết quả kinh doanh kém tích cực của các doanh nghiệp niêm yết đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh của thị trường, trong khi một loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên kênh chứng khoán.
Câu chuyện tăng trưởng
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, lợi nhuận toàn thị trường giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ trong quý 1/2023 (dữ liệu bao gồm gần 700 doanh nghiệp chiếm 25,8% vốn hóa toàn thị trường đã công bố báo cáo tài chính).
Tính đến ngày 24/4, có 697 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, chiếm 25,8% vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý 1 với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng giảm 2,6% so với cùng kỳ; trong đó, ngành bất động sản tăng 69,4% so với cùng kỳ, hiện đang là ngành dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận, đóng góp 16,2% vào tăng trưởng toàn thị trường, chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh quý 1 vượt trội của VHM đạt 11.917 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ.
Ngược lại, ngành hóa chất có lợi nhuận giảm tới 67,6% so với cùng kỳ, gây ảnh hưởng xấu nhất tới tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường bởi giá các loại hóa chất như phốt pho và phân bón đều giảm mạnh.
Đặc biệt, nếu sử dụng kết quả kinh doanh quý 1 ước tính của một số ngân hàng niêm yết thì lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 14% so với cùng kỳ trong quý 1, đóng góp 5,8% vào tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết.
Điều này giúp tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường quý 1 tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại vẫn còn một số ngành được dự báo có kết quả tiêu cực vẫn chưa công bố hết như thép, chứng khoán, dầu khí.
Hiện tại, chỉ số VN-Index đang giao dịch tại mức 0,7 lần P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) trung bình 5 năm và 0,7 lần P/B (Hệ số giá/giá trị sổ sách) trung bình 5 năm.
Tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 3 ở khoảng 8,7% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%). Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng tiếp tục nới nhẹ trong tháng 4 khi lãi suất huy động duy trì đà giảm trong khi E/P gần như đi ngang.
Mặc dù khoảng cách hiện tại giữa E/P và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10 -11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới thì khoảng cách có thể tiếp tục nới rộng thêm, VNDIRECT nhận định.
VNDIRECT cho rằng bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2023 kém tích cực đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh vừa qua. Công ty chứng khoán này kỳ vọng một loạt chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023 và Thông tư 03/2023 (TT02-03/2023) về việc giãn/hoãn nợ và cho phép ngân hàng tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp, hay Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Động lực tăng điểm theo VNDIRECT đó là “chính sách tiền tệ bồ câu” hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các chính sách hỗ trợ sớm được ban hành như Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (Thông tư 16 sửa đổi), hay Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng...
Theo chuyên gia từ VNDIRECT, đầu tư công vẫn là câu chuyện tâm điểm xuyên suốt năm 2023. Trong quý 1/2023, vốn nhà nước thực hiện đã tăng 18,1% so với cùng kỳ lên 91.500 tỷ đồng, cao hơn mức tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ của năm ngoái.
Hiện một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay, bao gồm Chính phủ chỉ đạo ngành giao thông vận tải hoàn tất việc chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Biên Hòa Vũng Tàu, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 30/6/2023; nguồn vốn ngân sách cho các dự án đầu tư công được đảm bảo trong bối cảnh nợ công thấp và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh kể từ đầu năm 2023; lạm phát trong nước hạ nhiệt tạo điều kiện để đẩy mạnh thực thi chính sách tài khóa mở rộng.
Cùng đó, một loạt chính sách mới được triển khai giúp cải thiện triển vọng của ngân hàng. Cụ thể, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nghị định mới đã sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều quy định về chào bán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và sắp tới là Thông tư số 16 sửa đổi sẽ giải quyết “điểm nghẽn” của trái phiếu doanh nghiệp, giải tỏa nguy cơ gia tăng nợ xấu.
Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn vừa mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành, giúp giảm áp lực trích lập dự phòng khi nợ tái cơ cấu được phân bổ trong năm 2023 và 2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Thông tư này cho phép ngân hàng được mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 khi đầu ra tín dụng đang gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, ngân hàng là một trong số ít ngành duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý 1/2023 cũng như cả năm và định giá đang ở mức hấp dẫn so với lịch sử.
Theo VNDIRECT, ngành hàng không cũng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội nhờ tần suất bay quốc tế phục hồi gần như hoàn toàn. Vật liệu xây dựng sẽ có một năm khởi sắc hơn khi giá các nguyên vật liệu đầu vào (than cốc, quặng sắt) đảo chiều. Trái lại, tăng trưởng lợi nhuận 2023 ngành hóa chất và dầu khí sẽ giảm từ mức nền khá cao của năm 2022.
Về diễn biến giao dịch, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, thực tế VN-Index đã có 1 tuần giao dịch khá sôi động với mức khớp lệnh trung bình của HOSE trên 480 triệu đơn vị/phiên cải thiện nhẹ so với mức 460 triệu đơn vị/phiên của tuần trước cùng với mức tăng 6 điểm.
Trong tuần, VN-Index đã có diễn biến giảm điểm trong 2 phiên đầu tuần, khi về hỗ trợ 1.030 điểm, chỉ số đã bắt đầu diễn biến hồi phục và chốt tuần tại 1.049,12 điểm.
Diễn biến tăng điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã dẫn dắt đà tăng của VN-Index tuần này, nhóm này có đến 7/10 đại diện trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng VN-Index, bao gồm VCB, VPB, TCB, TPB, MBB, SSB và CTG. Cổ phiếu ngành thép là HPG đứng thứ 2 trong top 10 cùng với mức tăng 4,6%. Chiều ảnh hưởng tiêu cực dẫn đầu là cổ phiếu GAS với mức giảm 2,7%, tiếp theo là MSN giảm 4,3%.
Khối ngoại có tuần giao dịch cân bằng khi mua ròng 11,96 tỷ đồng. HPG và MSB là 2 cổ phiếu được mua vào mạnh nhất với giá trị mua ròng lần lượt là 373 tỷ đồng và 344 tỷ đồng. Chiều bán ròng, VIC và VHM là 2 cổ phiếu dẫn đầu danh sách này với giá trị bán ròng lần lượt 136 tỷ đồng và 104 tỷ đồng.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, diễn biến hồi phục đã giúp VN-Index thoát khỏi xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn và tìm lại trạng thái cân bằng (đi ngang). Trong khi đó, trạng thái trung hạn vẫn đang tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.054 điểm và hiện vẫn đang trong xu hướng giảm. Ngưỡng 1.050-1.054 điểm cũng là kháng cự quan trọng của VN-Index trong nhịp hồi phục này.
Chứng khoán thế giới đi lên
Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới đi lên. Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 4/2023, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến các phiên giao dịch trái chiều song Phố Wall vẫn khép lại tháng Tư trong sắc xanh nhờ số liệu lạm phát thấp hơn dự kiến.
Tính chung cả tuần (từ 24-28/4), S&P và Dow Jones tăng 0,9% và Nasdaq tăng 1,3%.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang tài chính Briefing.com nhận định, các dữ liệu kinh tế trong tuần qua đều tốt, đồng thời lưu ý rằng doanh thu của các công ty công nghệ lớn của Mỹ phần lớn đáp ứng kỳ vọng và trong một số trường hợp còn vượt dự kiến.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuần tới, nhà đầu tư có thể giao dịch thận trọng khi chờ kết quả kinh doanh của công ty công nghệ Apple, cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) và báo cáo việc làm của Mỹ tháng 4/2023.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán hầu hết tăng điểm trong phiên chiều 28/4, nhờ lực đẩy từ tâm lý lạc quan của giới đầu tư và kết quả lợi nhuận khả quan của nhiều công ty lớn.
Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo dẫn đầu đà tăng trong khu vực với mức tăng 1,4% lên 28.856,44 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,1% lên 3.323,27 điểm, nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng 0,5% lên 19.940,51 điểm nhờ sự gia tăng mạnh mẽ trong giá cổ phiếu của các công ty công nghệ Tencent và NetEase.
Các thị trường Seoul, Sydney, Wellington, Mumbai, Bangkok và Manila tăng điểm. Trong khi các thị trường Jakarta, Singapore và Kuala Lumpur đi xuống.