
Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, cần hướng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ kiều bào để có được nguồn vốn ổn định và chất lượng.
Kiều hối khởi sắc trở lại
Nhiều kiều bào cho rằng, Việt Nam quản lý ngoại hối quá chặt, chính sách hiện cũng chưa đủ thông thoáng để nhà đầu tư Việt kiều chuyển nhượng vốn hoặc chuyển lợi nhuận kinh doanh ra nước ngoài thuận lợi, cũng tạo rào cản đối với việc đầu tư về nước. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, như vậy 8 tháng đầu năm 2017, kiều hối chuyển về TPHCM qua các kênh chính thức đạt 3 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 2,85 tỷ USD). Hiện kiều hối chuyển về TPHCM đến từ thị trường Hoa Kỳ chiếm 60% tổng kiều hối và từ thị trường châu Âu chiếm khoảng 19%.
Cơ cấu phân bổ kiều hối chủ yếu vẫn như mọi năm, khoảng 71,8-72% dành cho sản xuất kinh doanh, khoảng 21% dành cho lĩnh vực bất động sản, còn giành cho lĩnh vực tiêu dùng. Từ nay đến cuối năm, nếu không có những biến động lớn, lượng kiều hối chuyển về TPHCM sẽ đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 8-10% so với năm ngoái.
Trong các năm 2010-2015, kiều hối chuyển về Việt Nam đã liên tục tăng trưởng đều và năm 2015 đạt được kỷ lục với 13,2 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2016 kiều hối lại giảm tới 33%.
Nguyên nhân do nguồn cung kiều hối từ thị trường Hoa Kỳ chiếm chủ yếu trong tổng kiều hối chuyển về Việt Nam, nhưng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất đồng USD trong năm 2016 và để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên thêm 3 lần vào năm 2017, khiến lượng kiều hối từ thị trường này sụt giảm. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ không tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng tác động đến nguồn kiều hối từ Hoa Kỳ về Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh để đón đầu TPP.
Đầu năm 2017, Tập đoàn Credit Suisse nhận định, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ tiếp tục giảm do tác động từ chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2017, FED đã nâng 2 lần nâng lãi suất đồng USD với mức tăng tổng cộng 0,5%, đẩy chênh lệch lãi suất đồng USD tại Hoa Kỳ và Việt Nam lên mức 1 - 1,25%. Những thông tin này cũng đã gây ra lo ngại về nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, với kết quả kiều hối 8 tháng NHNN chi nhánh TPHCM đưa ra đã tạo sự kỳ vọng lớn vào sự khởi sắc của kiều hối trong năm nay.
Thu hút đầu tư Việt kiều
Thu hút đầu tư Việt kiều
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra mới đây, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD ở mức hiện tại, nhưng để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 tới, bất chấp mức lạm phát thấp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới và sẽ nâng lãi suất cơ bản 3 lần trong năm tới. Trong khi đó, tỷ giá USD/VNĐ tại các NHTM 8 tháng đầu năm 2017 giảm 0,18%, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,56% so với đầu năm. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm USD bằng 0%, tỷ giá được kiểm soát ổn định, nếu FED tăng lãi suất vào cuối năm, kiều hối có khả năng bị ảnh hưởng.
Theo một chuyên gia tài chính, kiều hối chuyển về Việt Nam thường nằm trong hệ thống NH để hưởng lãi suất trước khi được sử dụng chi tiêu hoặc đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam. Nếu FED điều chỉnh tăng lãi suất USD, có thể dòng kiều hối đó được giữ lại và không gửi về Việt Nam. Cho đến giờ này, khả năng tăng lãi suất của FED vẫn còn là ẩn số vì nền kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng và vận hành tốt, kiểm soát lạm phát tốt nhưng vẫn không loại trừ trường hợp đó xảy ra. Do đó, Việt Nam cần phải có thêm cơ chế chính sách hợp lý để thu hút kiều hối trong giai đoạn mới.
Trước đây, nguồn kiều hối chủ yếu từ Việt kiều ở nước ngoài gửi về cho người thân ở Việt Nam. Song gần đây, thế hệ này cũng đã già và qua các thế hệ sau, mối liên hệ với người thân tại Việt Nam cũng giảm dần. Do đó, lượng tiền gửi về cho người thân của Việt kiều đã có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư về Việt Nam của Việt kiều vẫn luôn rất lớn. Cả nước hiện đang có khoảng 1.110 doanh nghiệp có vốn của người Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, Báo cáo của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, tính đến đầu năm 2017, có khoảng 3.000 dự án đầu tư của Việt kiều với số vốn khoảng 2 tỷ USD. Vì vậy, muốn cải thiện nguồn kiều hối cần có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút vốn từ những đối tượng này. Một số báo cáo cho biết, trong số 3.000 dự án đầu tư chỉ có khoảng 2/3 dự án đạt hiệu quả, do vướng mắc trong chấp nhận quyết định đầu tư của địa phương, thời gian chờ đợi quá lâu, phải thông qua nhiều môi giới, trung gian… Điều này khiến nhiều kiều bào chưa mạnh dạn đầu tư về nước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cũng nhận định cách đây vài năm, các Việt kiều rất hồ hởi gửi tiền về Việt Nam đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nhưng gần đây xu hướng này giảm đi. Bởi các nhà đầu tư Việt kiều chưa hài lòng về những thành quả kinh tế đạt được và đang trong trạng thái chờ xem Việt Nam có những thay đổi như thế nào.
Theo TS. Đinh Thanh Hương, Việt kiều Pháp, muốn thu hút nguồn vốn đầu tư của kiều bào vào Việt Nam cần phải sớm giải quyết nhiều vấn đề như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, cam kết hỗ trợ đầu tư, vì đối với kiều bào cơ hội kinh doanh tại Việt Nam chưa rõ ràng và nhiều rủi ro nhưng cơ chế hỗ trợ chưa tốt.