Kế hoạch được thông qua một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí gia hạn tiến trình Brexit thêm đến ngày 31-1-2020, thay vì ngày hôm nay (31-10).
Phá vỡ bế tắc chính trị
Đây là lần đầu tiên sau 100 năm, Anh có thể sẽ tiến hành bầu cử sớm vào tháng 12-2019 để ngăn chặn nguy cơ rời Liên minh châu Âu (Brexit) không thỏa thuận. Quyết định này được dự báo cũng sẽ đạt được số phiếu nhất trí cao khi được đệ trình lên Thượng viện Anh để xem xét ngày 30-10.
Đây là nỗ lực thứ 4 của Thủ tướng Johnson nhằm thuyết phục Hạ viện nước này chấp thuận tổ chức bầu cử sớm. Xứ sở sương mù sẽ có thêm 3 tháng nữa để “xử lý nội bộ”, tìm kiếm một thỏa thuận mới, hoặc cũng có thể hoàn tất Brexit nếu thỏa thuận được chấp thuận sớm trước thời hạn.
Theo giới quan sát, Chính phủ Anh và bản thân Thủ tướng Johnson cũng bình tĩnh một cách kỳ lạ về cách thỏa thuận này được Quốc hội thông qua. Sự hoang mang và bi quan điển hình trong chính quyền dưới thời bà May trước một cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa quan trọng đã được thay thế bởi tinh thần sẵn sàng trước mọi tình huống cho dù kết quả có là gì đi chăng nữa.
Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra và sau khi EU đồng ý gia hạn tiến trình Brexit thêm 3 tháng, ngày 28-10, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi EU bác bỏ bất kỳ sự gia hạn Brexit nào khác sau khi Brussels lần thứ 3 đồng ý gia hạn Brexit. Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Johnson nêu rõ, ông chấp nhận quyết định trên của EU, song nhấn mạnh rằng ông cũng sẽ hối thúc các nước thành viên EU làm rõ quan điểm không thể có thêm một sự gia hạn nào nữa sau ngày 31-1-2020.
Canh bạc khó đoán?
Thời hạn chót được EU gia hạn cho Brexit chỉ diễn ra vài tuần sau ngày bầu cử dự kiến diễn ra vào 12-12 tới. Thủ tướng Boris Johnson nhiều khả năng sẽ thực hiện chiến dịch vận động bầu cử dựa trên cam kết hoàn thành Brexit, kêu gọi bỏ phiếu để đảng Bảo thủ có đủ thế đa số giúp thúc đẩy thỏa thuận mà ông đã ký với EU.
Khi tính đến một cuộc bầu cử sớm, ông Boris Johnson hy vọng có thể giành được đủ số ghế tại Hạ viện để thúc đẩy thông qua kế hoạch Brexit và tại nhiệm, bởi hiện nay, đảng Bảo thủ cầm quyền của ông Bori Johnson đã mất thế đa số. Tuy nhiên, nếu ông thất bại, các đảng đối lập có thể sẽ liên minh và cản trở tiến trình Brexit.
Hiện đảng Bảo thủ vẫn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và nếu có thể duy trì phong độ thì đảng này có khả năng giành thế đa số sau cuộc bầu cử sắp tới. Lý do bởi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đạt được thỏa thuận sau quá trình đàm phán khó khăn với EU đã giúp đảng cầm quyền giành lại niềm tin của nhiều cử tri ủng hộ Brexit.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù đạt được điều mong muốn, nhưng một cuộc bầu cử sớm cũng không khác gì canh bạc với ông Johnson. Đây được cho là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất tại Anh trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, Công đảng đối lập cam kết sẽ đàm phán một thỏa thuận mới với EU và đưa thỏa thuận ra trưng cầu ý dân với lựa chọn hủy bỏ hoàn toàn tiến trình Brexit. Việc hủy bỏ tiến trình này cũng là quan điểm của một số đảng nhỏ như đảng Tự do dân chủ hay đảng SNP ở vùng Scotland. Công đảng đối lập tham gia bầu cử lần này với cam kết sẽ tìm kiếm thỏa thuận Brexit mới và đưa ra trưng cầu ý dân nhưng không nêu kế hoạch vận động cụ thể. Cho nên, giới chuyên gia nhận định chỉ có “phép màu” mới giúp Công đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.