Kết luận Hội nghị Chính phủ mở rộng triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu năm 2012 tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đây cũng là quan điểm nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khi phân tích và dự báo về tình hình kinh tế trong năm tới.
2012 được đánh giá là một năm đầy khó khăn và thách thức với cả kinh tế thế giới và trong nước. Ngay ở thời điểm cận kề năm mới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đà phục hồi tại nhiều nền kinh tế phát triển đang rơi vào trạng thái trì trệ.
Thậm chí, một số nhà đầu tư đang xem xét dấu hiệu về nguy cơ tan rã của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để nhận định khả năng suy thoái kinh tế có thể tồi tệ hơn so với những gì đã xảy ra đối với kinh tế thế giới thời kỳ khủng hoảng năm 2008.
Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde cho biết sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 do cuộc khủng hoảng nợ Eurozone. Với Việt Nam, năm 2011 đã đạt được những thành tựu rất đáng mừng như tăng trưởng xấp xỉ 6%, cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như lạm phát ở mức cao, lãi suất chưa giảm... Chính vì thế, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2012 bên cạnh những thuận lợi, cần phải thấy rõ những khó khăn, thách thức là rất lớn, không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.
Đặc biệt, nếu không quyết liệt trong kiểm soát lạm phát, sẽ dẫn tới tình trạng lạm phát cao quay trở lại, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Để thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 10%, Chính phủ chủ trương trong năm 2012 tiếp tục thực hiện các giải pháp thắt chặt về tiền tệ và tài khóa. Trên thực tế, đây cũng là những giải pháp đã được thực hiện quyết liệt trong năm 2011, dù tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống dân cư.
Đó là một bộ phận doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn tín dụng, phải chịu lãi suất cao. Bình quân tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong 10 năm qua đạt 29,4%, trong 5 năm gần đây 33,5%. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 12%, nghĩa là có tới 2/3 doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng.
Vấn đề đặt ra: Nếu trong năm tới chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục thắt chặt, liệu doanh nghiệp còn đủ sức chịu đựng? Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng điều hành chặt chẽ tuy rất “đau” nhưng sẽ mang lại ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế.
Thí dụ năm 2011, tăng trưởng tín dụng khoảng 20% có thể kéo lạm phát lên 24%, còn nếu duy trì như những năm trước lạm phát có thể lên đến 30%. Khi đó, không chỉ riêng doanh nghiệp mà cả nền kinh tế sẽ rơi vào “tình thế nguy cấp”. Năm 2012, phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức một con số mới tạo đà phát triển trở lại trong những năm tiếp theo.
Thực tế, Chính phủ cũng phải “hy sinh” mục tiêu tăng trưởng cao để tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát được duy trì ở mức thấp sẽ là cơ hội để giảm lãi suất tín dụng, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Nếu thực hiện được mục tiêu giảm lạm phát xuống dưới 10%, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lãi suất huy động sẽ giảm xuống mức quanh 10%. Khi đó, lãi suất cho vay chỉ còn ở mức 14-15%/năm. Ngoài ra, dự kiến đầu năm 2012 NHNN sẽ tiếp tục có chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ tín dụng cho một số đối tượng để giảm bớt áp lực vay nợ cho doanh nghiệp, giúp duy trì và dần phục hồi sản xuất.
Kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, doanh nghiệp sẵn sàng chịu “đau” vì lợi ích chung, nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ phải quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững hơn, đặc biệt là việc tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.
Bởi việc một số tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, không minh bạch, như EVN hay Petrolimex, được đề cập gần đây khiến dư luận chưa thể yên lòng.
Thực tế đòi hỏi môi trường kinh doanh phải thật sự công bằng giữa tất cả thành phần kinh tế mới tạo được sự đồng thuận, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra năm 2012.