Mỗi dự án cần huy động 3.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu ngày 12/10/2020, bên mời thầu đã tổ chức đóng/mở thầu theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu, trước sự chứng kiến của các bên có liên quan và đại diện của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03).
Theo đó, dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn có một nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu; riêng đối với dự án thành phần đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Như vậy, trong tổng số 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu có 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (gồm các đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo); một dự án thành phần (đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Đối với 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính thương mại; các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ,... sẽ được xác định cố định.
Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp Nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của Nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu. Trên cơ sở kết quả đánh giá về tài chính, bên mời thầu trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020 (nếu không phát sinh tình huống đấu thầu phức tạp).
Với dự án thành phần đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và tại khoản 4 Điều 80 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quyết định hủy thầu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đối hình thức đầu tư.
“Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công-tư (Vụ PPP-Bộ Giao thông Vận tải) cho biết trong số 39.530 tỷ đồng tổng vốn đầu tư của 5 dự án, nguồn vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ khoảng 20.136 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 3.879 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng với khoảng 15.515 tỷ đồng.
“Như vậy, tính bình quân, mỗi dự án chỉ cần huy động tín dụng khoảng 3.000 tỷ đồng. Đó là điều khác biệt so với các dự án BOT giao thông trước đây khi chủ yếu thực hiện bằng nguồn vốn vay ngân hàng,” ông Thành đưa ra con số.
Vì sao nhà đầu tư thiếu sự “mặn mà”?
Vì được đầu tư xây dựng mới, tại 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam sẽ áp dụng hình thức thu phí kín với mức phí tính toán theo chiều dài sử dụng dịch vụ nên đảm bảo công bằng tuyệt đối. Chưa kể, mức thu phí sử dụng dịch vụ tại các dự án này đã được Quốc hội cho phép quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của các dự án từ 16-18 năm, không có dự án nào vượt quá 20 năm.
Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt vấn đề thắc mắc và hoài nghị tại sao như 2 dự án cao tốc đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An vốn có lưu lượng phương tiện đông, khả năng hoàn vốn nhanh chóng nhưng lại không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, thậm chí dự án Nghi Sơn-Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Trong báo cáo gửi tới các Đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, thừa nhận các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP việc huy động vốn tín dụng đối gặp rất nhiều khó khăn, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.
Thực tế trong hơn hai năm qua đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay... gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng.
“Ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án. Theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư có thời gian tối đa sáu tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng,” vị Tư lệnh ngành giao thông cho hay.
Để bảo đảm việc triển khai dự án theo đúng yêu cầu, Bộ trưởng Thể đề xuất đối với dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn nhưng không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư./.
Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần bao gồm 6 dự án đầu tư công, còn lại 5 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của 11 dự án là khoảng 100.816 tỷ đồng. Ngày 30/9, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công đồng loạt 3 đoạncao tốc Bắc-Namđầu tư công còn lại, đảm bảo cả 6 đoạn đầu tư đều được khởi công xây dựng. Với 5 đoạn cao tốc Bắc-Nam đầu tư PPP, Bộ Giao thông Vận tải đang phát hành hồ sơ mời thầu tìm nhà đầu tư, theo kế hoạch phải sang đầu năm 2021 mới ký hợp đồng đầu tư. |