Sau nhiều tháng "ngủ đông", doanh nghiệp, hộ kinh doanh ăn uống tại TPHCM khấp khởi mừng khi TP cho phép mở bán mang đi. Thế nhưng khi bắt đầu mở lại, một loạt bất cập nảy sinh, hàng quán gần như không thể buôn bán được.
Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán lẻ, khách sạn tại TPHCM cùng gửi thư kiến nghị lên lãnh đạo thành phố, mong được tháo gỡ khó khăn.
Theo thư kiến nghị của các doanh nghiệp, môi trường nhà hàng, quán ăn không có chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho nhân viên, nên không thể thực hiện "3 tại chỗ". Việc xin giấy đi đường tại TPHCM lại đang gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian.
Ngoài ra, việc di chuyển khó khăn cũng khiến doanh nghiệp F&B bị thiếu nguyên vật liệu để sản xuất, kinh doanh. Nhà cung cấp không thể giao hàng liên quận, liên tỉnh. Cùng với đó, thời gian cho phép bán hàng quá ngắn (đến 18h), trong khi phần lớn nhu cầu ăn uống đa số là vào buổi tối cũng làm khó người kinh doanh.
Các doanh nghiệp kiến nghị, ưu tiên tiêm vaccine cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Người lao động trong ngành được tiêm ít nhất một mũi vaccine có thể đi làm bình thường. Doanh nghiệp cũng đề nghị được chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho nhân viên (tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19) đảm bảo tuân thủ 5K.
Kiến nghị đáng chú ý là doanh nghiệp trong ngành ăn uống mong muốn được tự đi giao hàng, và không bị phụ thuộc vào nhân viên giao hàng (shipper) của các ứng dụng công nghệ. Lý do của kiến nghị này là chi phí giao hàng quá lớn, khách không thể chi trả.
Đặc biệt, các doanh nghiệp còn mong muốn hàng hóa phục vụ cho dịch vụ ăn uống, không nằm trong danh mục cấm lưu thông thì được di chuyển bình thường và cho phép các đơn vị vận tải, nhà xe cung ứng hàng hóa được giao hàng liên tỉnh, liên quận. Thành phố không nên hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, để có đủ nguồn cung nguyên vật liệu, kể cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trợ như bao bì, tem nhãn…
Theo khảo sát của nhanh của ĐTTC, cho đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành ăn uống tại TPHCM vẫn chưa mở lại cửa hàng nào. Khách hàng thì ngần ngại khi đặt mua qua các ứng dụng công nghệ, vì phí ship quá cao. Thậm chí phí ship còn cao hơn giá của món ăn/đồ uống mà khách đặt. Hầu hết các hàng quán bún, phở đều báo giá 1 tô bún, phở, cơm khoảng 30.000-50.000 đồng nhưng kèm phí ship cũng ở mức trên 35.000 đồng dù khoảng cách di chuyển rất ngắn.