Bất chấp những nỗ lực phòng chống dịch bệnh của toàn hệ thống chính trị, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và gây tổn hại tới toàn nền kinh tế.
Con số 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước đó và trung bình mỗi tháng có 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường... thực sự gây lo lắng cho xã hội.
Vậy để làm sao chặn đà khủng hoảng này, duy trì và giữ nhịp giúp các doanh nghiệp dần ổn định để phát triển? Các doanh nghiệp cũng cần phải chuẩn bị những gì để tiếp tục xây dựng và duy trì cấu trúc phát triển bền vững đang là điều khiến rất nhiều người quan tâm.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã trả lời phỏng vấn với một số khuyến nghị gợi mở:
- Thưa ông, với mục tiêu hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững; trong đó, bao trùm các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh và đủ nội lực để trụ vững và vượt qua dịch bệnh, chúng ta đã và đang làm những gì?
Ông Phan Đức Hiếu: Phát triển bền vững rõ ràng không còn là khái niệm mới mẻ. Thậm chí, chúng ta đã có sự trải nghiệm, thực hành trong nhiều năm qua. Chính phủ Việt Nam cũng đã có rất nhiều hành động cụ thể như năm 2017 có Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; trong đó cam kết thực hiện đủ 17 mục tiêu với cộng đồng quốc tế.
Từ năm 2020, Chính phủ cũng triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 và rất nhiều hành động khác. Trong bối cảnh khó khăn và nhiều thách thức trước áp lực của dịch bệnh COVID-19 và sự khủng hoảng kinh tế kéo dài như hiện nay, chắc chắn đòi hỏi cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ chính quyền, từ các địa phương và chính các doanh nghiệp trong những năm tới đây.
Chính phủ cũng đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Thống kê. Theo đó, một trong những mục tiêu là để bổ sung những chỉ tiêu đo lường sự phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030.
Song song đó, Chính phủ cũng đang sửa đổi và sắp ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh để thay thế cho chiến lược chúng ta đã ban hành vào năm 2012, đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân về kinh doanh bền vững.
Như vậy, có thể nói, sắp tới Chính phủ sẽ có nhiều hành động mạnh mẽ và quyết liệt để đầu tư nâng chất cho khu vực kinh tế này.
Bàn tới vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế trong bối cảnh phát triển bền vững và ứng phó với các yếu tố bất định; trong đó, có phục hồi kinh tế sau COVID-19. Như đã biết năm 2020, khi 20 nước phát triển họp với nhau họ cũng đã đưa ra 1 kế hoạch; trong đó, đưa ra và nhấn mạnh rất nhiều mục tiêu phục hồi mạnh mẽ, phục hồi bao trùm và phục hồi để bền vững.
Với thông điệp quốc tế được đưa ra lần này rất rõ ràng. Đó là: “phục hồi kinh tế không phải gượng dậy trên con đường cũ, mà chúng ta phải phục hồi mạnh mẽ trên một con đường mới. Đằng nào thì chúng ta cũng đã và đang chịu sự tác động này rồi. Sự phục hồi của chúng ta đòi hỏi phải nhấn mạnh nhiều đến những vấn đề phát triển bền vững.
Đã có rất nhiều báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng chính dịch COVID-19 đã cho thấy một phần nguyên nhân là do trong quá trình vừa qua chúng ta chưa phát triển hoặc là chưa chú ý đầy đủ; chưa quan tâm đúng mức tới sự phát triển bao trùm hay phát triển thịnh vượng. Dịch bệnh cũng đã cho thấy sự yếu kém của chúng ta trong cái mô hình phát triển kinh tế.
Cũng chính vì vậy mà lần này, rất nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những gói kích thích kinh tế để phục hồi kinh tế với tên gọi là gói phục hồi bền vững hay gói phục hồi Xanh; trong đó, kể cả có Việt Nam.
- Chính phủ đã có chủ trương vậy còn sự hưởng ứng của các doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
Ông Phan Đức Hiếu: Chính phủ rất mong muốn và thúc đẩy phát triển bền vững bằng nhiều chính sách để tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng vấn đề đặt ra, nếu Chính phủ làm mà doanh nghiệp không làm thì có lẽ sẽ không tạo ra sự thay đổi.
Do đó, theo quan điểm của tôi, ngay cả khi không có chính sách của Chính phủ thì doanh nghiệp cũng cần phải có sự thay đổi để hướng tới phát triển bền vững.
Sự thay đổi này vì những lý do sau: chỉ có phát triển bền vững mới gia tăng được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí. Điều đó là vì lợi ích của doanh nghiệp. Thêm nữa, cũng chính vì phát triển bền vững sẽ đem lại những tác động tích cực cho doanh nghiệp trong việc chống biến đổi khí hậu.
Thêm nữa, là vì xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân khi xã hội đang hướng tới và chỉ lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ, an toàn và...gần như hoàn hảo.
Vì thế, doanh nghiệp không thể không thay đổi để đáp ứng nhu cầu thay đổi của cộng đồng.
Ở châu Âu, tới năm 2030 châu Âu sẽ không bán mới các loại xe chạy xăng hay xe chạy Diezel. Nghị viện châu Âu cũng đã quyết định, từ năm 2023 sẽ đánh thuế Carbon qua biên giới với tất cả những sản phẩm hữu hình và vô hình kể cả các loại phần mềm.
Công nghệ bây giờ có thể cho phép xác định chính xác một chiếc áo sơmi sẽ thải ra môi trường bao nhiêu Carbon. Đó chính là cơ sở để họ đánh thuế sản phẩm.
Vì thế nếu các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước mà không thay đổi mô hình hoạt động, không hướng tới quy trình sản xuất sạch hơn, an toàn hơn thì rõ ràng tính cạnh tranh sẽ bị giảm xuống và chi phí sẽ tăng và khó nắm bắt cơ hội phát triển trong tương lai. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp.
Thêm 1 chi tiết quan trọng nữa là hiện nay, khi Chính phủ các nước; trong đó kể cả Việt Nam đang đưa ra những gói kích thích kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp. Đó không chỉ là gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hồi một cách đơn thuần trên con đường cũ mà sẽ là những gói hỗ trợ xanh và gói hỗ trợ phát triển bền vững.
Như vậy thì, nếu doanh nghiệp không thay đổi, chính họ sẽ tự loại mình ra khỏi các đối tượng để được hưởng lợi, hoặc mất đi những cơ hội để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
- Trong bối cảnh hiện nay, hành động của doanh nghiệp là cần làm gì, thưa ông?
Ông Phan Đức Hiếu: Năm ngoái 2020, Phóng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc điều tra; theo đó có tới 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đang đầu tư, đào tạo nhân viên để hướng đến phát triển bền vững; 33% doanh nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin để cho sản xuất bền vững hơn. Rõ ràng là doanh nghiệp đã hành động.
Sắp tới đây, theo tôi, doanh nghiệp sẽ cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa. Lời khuyên của tôi là doanh nghiệp cần hướng tới việc tái cấu trúc để không chỉ ứng phó với dịch COVID-19 hay không chỉ để duy trì sự tiếp tục trong hoạt động kinh doanh, mà còn phải thay đổi cả mô hình kinh doanh, cấu trúc kinh doanh để hướng tới việc kinh doanh bền vững hơn; vì lợi ích của chính bản thân doanh nghiệp và cũng vì để nâng cao năng lực hấp thụ những chính sách mà Chính phủ sẽ đưa ra những gói kích thích hướng đến phát triển nhanh và bền vững trong thời gian sắp tới.
Từ phía doanh nghiệp, sự thích ứng hay thay đổi để hướng tới phát triển bền vững vừa mang tính chất nội tại của doanh nghiệp, vừa là yếu tố bên ngoài “ép buộc” mà doanh nghiệp không làm cũng phải làm để vì sự tồn tại và phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!