Chờ thay đổi danh mục của ETF VNM

Các quỹ ETF lớn hoạt động trên TTCK Việt Nam chuẩn bị bước vào đợt cơ cấu danh mục định kỳ quý II-2014. Thời điểm này, mọi sự chú ý dường như chỉ chờ đợi công bố thay đổi danh mục của quỹ ETF VNM.

Các quỹ ETF lớn hoạt động trên TTCK Việt Nam chuẩn bị bước vào đợt cơ cấu danh mục định kỳ quý II-2014. Thời điểm này, mọi sự chú ý dường như chỉ chờ đợi công bố thay đổi danh mục của quỹ ETF VNM.

ETF VNM sẽ còn mua ròng


Theo nhận định của CTCK Maybank KimEng (MBKE), dựa trên số liệu tạm tính đến ngày 29-5 và kết hợp với những tiêu chí cơ cấu được ETF VNM quy định, tỷ trọng CP Việt Nam hiện chiếm khoảng 67,3% giá trị danh mục của ETF VNM. Như vậy quỹ này hiện đang ghi nhận mức thặng dư (premium) ở 1,08% NAV.

Căn cứ vào các nguyên tắc cơ cấu danh mục định kỳ do ETF VNM đặt ra, tỷ trọng CP Việt Nam sẽ phải được điều chỉnh về mức 70% tại thời điểm kết thúc cơ cấu. Dựa vào các thông số này, nếu tỷ trọng trên được giữ nguyên, đến tuần lễ cơ cấu danh  mục ETF VNM sẽ phải mua ròng thêm các CP Việt Nam với giá trị  khoảng 3% NAV của quỹ, tương đương với mức mua ròng khoảng 330 tỷ đồng.

Thời gian cụ thể của đợt cơ cấu lần này là ngày chốt dữ liệu vào 30-5 và ngày công bố các thay đổi 13-6. Thời gian thực hiện cơ cấu với đối ETF VNM từ ngày 16 đến 20-6, hoàn tất các thay đổi là 23-6.

Tính đến hiện tại, toàn bộ danh mục của ETF VNM không xuất hiện bất kỳ mã CP nào vi phạm nguyên tắc để ETF VNM loại ra khỏi danh mục của mình. Dù có đôi chút lo ngại về trường hợp của GMD, nhưng tính đến nay giá trị giao dịch trung bình 3 tháng của mã này vẫn cao hơn mức yêu cầu để được giữ lại trong danh mục của ETF VNM.

Ngược lại, ở chiều thêm vào, chưa có bất kỳ CP nào thỏa mãn 100% các điều kiện đặt ra của ETF VNM. Mã “gần đạt nhất” với các yêu cầu này là IJC, nhưng lại đang vướng tiêu chí giá trị giao dịch trung bình ở 2 kỳ cơ cấu trước đó. Chính vì vậy, xác suất thêm mới IJC không cao.

Với những số liệu nêu trên, khả năng cao nhất ETF VNM sẽ không có thay đổi về danh mục CP trong đợt cơ cấu danh mục định kỳ quý II-2014. Tuy nhiên, sẽ có 2 trường hợp có thể xảy ra liên quan đến vấn đề thay đổi hoặc không thay đổi CP tự do chuyển nhượng (free float) của STB.

Tính đến kỳ cơ cấu gần nhất vào quý I-2014, ETF VNM vẫn giữ nguyên mức free float của STB là 10%, bất chấp thông tin được đưa ra về việc điều chỉnh tỷ lệ room NĐTNN của STB tăng từ 10% lên 30%. Nếu trong đợt cơ cấu sắp tới ETF VNM có tính đến thay đổi này, free float của STB sẽ  được tăng lên đáng kể và kéo theo đó là tỷ trọng của CP này cũng sẽ được nâng lên mức cao hơn trong danh mục của ETF VNM.

Cụ thể, nếu free float của STB thật sự được thay đổi, CP này sẽ đứng vị trí thứ 2 trong danh mục của ETF VNM sắp xếp theo thứ tự vốn hóa có tính đến free float giảm dần. Trong trường hợp này, STB sẽ là mã được mua nhiều nhất với khả năng mua thêm hơn 18,6 triệu CP, tương đương giá trị khoảng 380 tỷ đồng. Trường hợp thứ 2 là không thay đổi STB đứng vị trí thứ 7, còn vị trí thứ 2 thuộc về VCB. Với kịch bản này, VCB sẽ được mua mạnh hơn 4 triệu CP với giá trị khoảng 116 tỷ đồng.

ETF FTSE có loại PET?

Dựa trên số liệu tạm tính đến ngày 29-5 và kết hợp với những tiêu chí cơ cấu được  ETF FTSE quy định, MBKE nhận định PET là mã có khả năng bị loại do vướng tiêu chí về vốn hóa do PET rơi khỏi top 92% vốn hóa toàn thị trường. Nếu loại PET, HVG là ứng viên sáng giá nhất để thêm mới vào danh mục của ETF FTSE do thỏa mãn tất cả điều kiện được quỹ này đặt ra.

2 mã ứng viên kế tiếp là IJC, HT1 do thỏa mãn “gần đủ” các tiêu chí của ETF FTSE để được thêm mới. Cụ thể, HT1 vướng tiêu chí giá trị giao dịch, còn IJC vướng tiêu chí vốn hóa có thể đầu tư lớn hơn 1% giá trị tài sản quỹ. Tương tự, vấn đề thay đổi free float của STB cũng phát sinh những thay đổi đáng kể nếu ETF FTSE áp dụng mức free float mới dành cho STB trong đợt cơ cấu quý II-2014.

Với những số liệu nêu trên, khả năng cao nhất ETF FTSE sẽ loại ra PET và thêm mới HVG trong lần cơ cấu này. Ngoài ra, sự xáo trộn tỷ trọng các mã trong danh mục cũng sẽ xảy ra tùy thuộc vào việc ETF FTSE có thay đổi free float dành cho STB hay không.

Trường hợp 1 loại PET, thêm HVG và không đổi free float STB. Ở trường hợp này, PET sẽ bị bán toàn bộ gần 3 triệu CP đang có ra khỏi danh mục, tương đương giá trị 46 tỷ đồng, còn HVG được thêm mới với giá trị mua vào khoảng  110 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu CP).

Trường hợp 2 loại PET, thêm HVG và thay đổi free float của STB. Trong trường hợp này STB sẽ được mua mạnh thêm 14 triệu CP với giá trị khoảng 280 tỷ đồng; PET vẫn sẽ bị bán toàn bộ gần 3 triệu CP đang có ra khỏi danh mục nhưng HVG được thêm mới với giá trị mua vào chỉ 105 tỷ đồng (tương đương 4,27 triệu CP).

Các tin khác