Chợ truyền thống TPHCM: Định vị xứng tầm để đầu tư

(ĐTTCO) - Tình trạng chợ truyền thống ế ẩm, giảm hấp lực tiếp tục là vấn đề nóng được tiểu thương, ban quản lý các chợ và chuyên gia trên địa bàn TP.HCM đề cập và bàn luận. Nhiều giải pháp được đề xuất, nhất là trong bối cảnh mới, chợ truyền thống cần tái cấu trúc hoạt động và được định vị xứng tầm để đầu tư.

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 232 chợ truyền thống (ảnh minh họa) “Phố chợ” định vị lớn, phát triển lớn
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 232 chợ truyền thống (ảnh minh họa) “Phố chợ” định vị lớn, phát triển lớn

Tái cấu trúc chợ truyền thống

Trao đổi tại Hội thảo “Hệ thống chợ dân sinh – Nhìn về tương lai” sáng 22/4, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP có 232 chợ dân sinh (truyền thống). Lượng hàng hóa tại hệ thống chợ chiếm 60-65% tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường TP.HCM; hệ thống siêu thị chiếm 13 đến 15% và doanh nghiệp bình ổn thị trường, doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường (đã trừ lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại) chiếm khoảng 22 đến 25%.

Từ sau cao điểm dịch Covid-19 đến nay nhu cầu, hình thức tiêu dùng có nhiều thay đổi. Đặc thù của chợ truyền thống đang gặp khó trước những chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện các hệ thống kinh doanh hiện đại chiếm khoảng 25% thị phần tiêu dùng của TP. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, đánh giá thị trường, chợ truyền thống còn chịu sự cạnh tranh trực tiếp của một số chuỗi hệ bán lẻ hiện đại cùng phân khúc khách hàng với chợ truyền thống.

“Những đơn vị này không chọn cạnh tranh với các "ông lớn" siêu thị mà chọn cạnh tranh trực tiếp với chợ dân sinh truyền thống. Ở đâu có chợ truyền thống thì có cửa hàng ở đó. Cả nước có khoảng 700 điểm thì tại các khu vực chợ TP.HCM có khoảng 200 đến 300 cửa hàng. Chuỗi cửa hàng này đều có mặt ở các điểm chợ khiến cạnh tranh khốc liệt hơn, hoạt động chợ đã khó càng khó hơn” - ông Phương nói.

Thời gian qua, Sở Công thương cùng với nhiều chuyên gia tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các giải pháp cải thiện hiệu quả hoạt động chợ để lấy kiến đưa vào áp dụng thực tế. Ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, cần thay đổi mô hình, nâng chất lượng phục vụ và thu hút đầu tư để phát triển hệ thống chợ theo Nghị định 60/2024/NĐ-CP.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định rằng những giải pháp đang nghiên cứu, chủ yếu phù hợp với địa bàn TP.HCM. Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, số lượng chợ tăng từ 232 lên khoảng 500 chợ, tăng gấp đôi, đòi hỏi phải mở rộng phạm vi nghiên cứu và điều chỉnh chính sách phù hợp.

Nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi Nghị định 60 về quản lý chợ, đặc biệt là phân loại rõ các loại hình chợ. Tên gọi chợ dân sinh cần được hiểu là chợ truyền thống và cần được xem như một phần trong hệ thống thương mại tổng thể, gắn với siêu thị, du lịch và xuất nhập khẩu.

Để chợ truyền thống hoạt động hiệu quả, cần xác định nhóm khách hàng cụ thể như người thu nhập thấp, người cao tuổi hay giới trẻ – nhóm tuy chuộng mua sắm online nhưng vẫn quan tâm đến trải nghiệm tại chợ nếu tiện lợi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Phúc Tiến, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nêu ý kiến: “Thật ra ở TP khác với khu vực nông thôn, nếu dùng từ chợ sẽ chưa đủ và chưa sát thực tiễn, mà phải dùng từ “phố chợ”. Chúng ta nhìn chợ Bến Thành hay Chợ Bình Tây thì nhận thấy ngay, nhờ có chợ mà cả khu vực xung quanh có thêm cửa hàng và nhà phố kinh doanh. Khi mình đề cập việc phát triển chợ truyền thống mà chỉ đưa phương án cho riêng cho những người bên trong nhà lồng thôi là chưa đủ. Cần định vị đó là những khu thương mại. Tôi đề nghị nên lấy điển hình những khu chợ như Bình Tây, Bến Thành, Tân Định, là 3 phố chợ điển hình”.

Một số ý kiến khác cho rằng, cần xem xét vai trò công nghệ số trong các chợ, như thanh toán không tiền mặt và dịch vụ giao hàng, tác động đến hoạt động chợ. Có thể liên kết giữa chợ và giao thông công cộng, đặc biệt là metro, tạo ra trung tâm mua sắm hiện đại. Chính quyền cần xác định trách nhiệm trong quản lý, hỗ trợ tài chính và quảng bá chợ; bảo tồn giá trị văn hóa của các chợ truyền thống như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây…

Các tin khác