Chọn lọc DN quốc phòng làm kinh tế

(ĐTTCO) - Tại buổi làm việc với Tân cảng Cát Lái và Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) sáng 12-7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế đất nước... 

Cùng tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Thoái vốn, giải thể DN quân đội không hiệu quả

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế đã và tiếp tục có sự tham gia của các DN quân đội. Hiện có 80.000 chiến sỹ sang làm kinh tế, trực tiếp tham gia sản xuất tại các khu công nghiệp quan trọng của đất nước. Những DN quân đội này làm kinh tế rất năng động, chiếm lĩnh thị trường, tạo được uy tín trong nước và quốc tế.
“Thường vụ Quân ủy Trung ương rất quan tâm đến hoạt động kinh tế quốc phòng, coi quân đội làm kinh tế là chủ trương nhất quán của Bộ Quốc phòng. Thời gian tới, sẽ tiến hành sắp xếp lại hoạt động kinh tế trong lực lượng vũ trang. Thực tế 70 năm qua cho thấy tham gia kinh tế là chức năng cơ bản, thể hiện truyền thống của quân đội. Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân sản xuất, thu nhiều kết quả quan trọng” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
 Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng, là nhiệm vụ và quan điểm xuyên suốt trong xây dựng quân đội qua các thời kỳ. Phát triển kinh tế đã, đang và sẽ luôn là một trong những chức năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục giữ vững vị trí DN quốc phòng tiên phong của đất nước trong việc sản xuất, phát triển hiệu quả kinh tế biển, góp phần tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng biển đảo của Việt Nam.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã bày tỏ sự vui mừng về những đóng góp của quân đội trong công tác xóa đói giảm nghèo những năm gần đây. 23 khu kinh tế quốc phòng hiện nay với hàng triệu héc ta đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ dân an cư, ổn định cuộc sống. Điều này tạo thế trận chiến lược từ Bắc vào Nam. Nhiều đơn vị kinh tế quốc phòng bố trí trên địa bàn trọng yếu có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ tham mưu phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng, đặc biệt ở vùng chiến lược. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả kinh tế quốc phòng, xây dựng thế trận lòng dân với an ninh vững chắc. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ sắp xếp lại cơ cấu DN sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Theo đó, bố trí, sắp xếp lại 300 DN còn 88 DN, tiến tới chỉ giữ lại 17 DN quân đội 100% vốn nhà nước.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao đất quốc phòng chưa sử dụng cho các địa phương phát triển kinh tế; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các DN, tổ chức sử dụng sai mục đích đất quốc phòng cũng như DN quốc phòng làm kinh tế vi phạm quy định; thực hiện đề án cấu trúc lại các DN quân đội, thoái vốn và giải thể các DN không hiệu quả; sắp xếp lại các DN quốc phòng phù hợp hơn với chiến lược phát triển kinh tế, kết hợp bảo vệ an ninh quốc phòng.
“Đây là đề án hết sức quan trọng, quan điểm của Quân ủy Trung ương cương quyết thực hiện trong thời gian tới. Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản và xử lý nhiều cá nhân vi phạm. Chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra, thanh tra những cá nhân, DN không làm tốt. Để làm sao DN quân đội làm kinh tế phải là tấm gương cho đơn vị bên ngoài noi theo” - Bộ trưởng Lịch khẳng định.  Liên quan đến việc sân golf nằm trong khuôn viên sân bay Tân Sơn Nhất, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết Bộ Quốc phòng đã cho tạm dừng hoạt động của sân golf này, đồng thời đồng ý để Bộ Giao thông - Vận tải lấy một phần đất ở phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất xây dựng thêm đường băng và nhà ga. Tuy nhiên cần phải cân nhắc tính toán lợi ích của các DN đã đầu tư vào sân golf này.
Chọn lọc DN quốc phòng làm kinh tế ảnh 1 Cảng Tân cảng - Cát Lái, TPHCM. 
TPHCM sẽ hỗ trợ TCSG làm kinh tế
Tại buổi làm việc, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG), cho biết TCSG hiện có 25 công ty thành viên với hơn 6.000 cán bộ, công nhân viên và hơn 10.000 lao động làm việc. Tân cảng Cát Lái là cảng thuộc TCSG được đầu tư, vận hành bằng hệ thống quản lý, giám sát tự động và là cảng container lớn, hiện đại nhất Việt Nam. Trung bình mỗi tuần, cảng tiếp nhận 70 lượt tàu container, chiếm trên 90% thị phần container toàn miền Nam.
Ngoài phục vụ yêu cầu quân sự trong thời chiến và thời bình, TCSG còn phát triển dịch vụ kinh tế biển ở 3 ngành chính gồm kinh doanh khai thác container (chiếm gần 50% thị phần xếp dỡ container nhập khẩu của Việt Nam); kinh doanh dịch vụ logistics (dẫn đầu tốp 20 DN logistics hàng đầu Việt Nam); kinh doanh vận tải dịch vụ biển (chiếm 25% thị phần vận tải biển nội địa).
“Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, TCSG đã làm tốt nhiệm vụ “khi bình là ngư, khi biến là binh”, góp phần đáng kể vào sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung” - Chuẩn Đô đốc Nghiêm khẳng định.

Đánh giá cao những đóng góp của TCSG, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả đạt được về doanh thu, hiệu quả kinh tế của đơn vị. TCSG hiện đã trở thành một trong những đơn vị làm kinh tế xuất sắc nhất của quân đội. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch lưu ý TCSG phải chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và quân đội, gắn bó với Nhân dân, chính quyền địa phương nơi đơn vị đứng chân để tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân.

Ghi nhận hiệu quả kinh tế của TCSG đã góp phần làm tăng tổng sản phẩm của TP, đồng thời khẳng định TPHCM sẽ tích cực hỗ trợ DN này làm kinh tế, song Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý vấn đề quan tâm hiện nay là giao thông tại khu vực các cảng thường xuyên bị ùn tắc. Thực tế này làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân.
Cụ thể, trên các tuyến đường như Xa lộ Hà Nội, Đại lộ Mai Chí Thọ, tuyến đường Vành đai 2, đặc biệt là đường Nguyễn Thị Định (tất cả phương tiện khi vào cảng Cát Lái đều phải qua đường này), lượng phương tiện vào ra Tân cảng Cát Lái rất đông, liên tục xảy ra ùn tắc giao thông, kẹt xe.
Trong năm 2016, nhờ triển khai một số giải pháp như tổ chức phân luồng giao thông ở một số điểm, xử lý các bến bãi xe container tự phát quanh cảng; cải cách, giảm thủ tục trong cảng, hạn chế lượng xe ra vào cảng… tình hình ùn tắc có giảm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6-2017 đến nay, do lượng hàng hóa qua cảng tăng mạnh, ùn tắc tiếp tục tái diễn trên các tuyến đường dẫn vào cảng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải cần quan tâm, nghiên cứu cùng TP có giải pháp tháo gỡ ùn tắc giao thông hiệu quả trong thời gian tới. Về phía TP sẽ cố gắng hoàn thành việc thi công nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) trong năm 2017 và 6 công trình giao thông khác trên địa bàn trong năm 2019, góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe tại khu vực quanh các cảng, nhất là Tân cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất.

Các tin khác