1. Từ khi bước chân vào giảng đường đại học, Nguyễn Văn Phụng (25 tuổi, quê Ninh Thuận) quyết tâm phải làm việc ở thành phố bằng mọi cách. Ra trường, Phụng không thích thú với công việc của một nhân viên văn phòng dù là đúng chuyên môn.
Làm việc không đầy một năm, Phụng xin nghỉ và cùng 2 người bạn bắt đầu khởi nghiệp với việc kinh doanh hoa tươi và cách dịch vụ điện hoa trực tuyến. Buổi tối, Phụng học thêm S.E.O (tư duy thị trường, marketing) để hỗ trợ cho công việc của tiệm hoa.
Tình hình kinh doanh của Phụng không mấy khả quan, sức cạnh tranh còn yếu, cùng với đó là không đủ vốn. Không đến mức lỗ vốn, tuy nhiên lợi nhuận thu lại chỉ vừa đủ cho các chi phí vận hành, tiệm hoa của Phụng hơn nửa năm hoạt động cũng đành đóng cửa.
Hai người bạn tìm công việc khác, Phụng trở về quê nghỉ ngơi vài tháng. Không ngờ, chính công việc gia đình mà chàng trai trẻ cho là nhàm chán và miền quê lại là khởi điểm mang lại thành công cho anh. Giúp gia đình quản lý vườn nho, cùng kinh nghiệm về S.E.O và kinh doanh trực tuyến, Phụng đưa sản phẩm mật nho lên mạng xã hội để bán online và bắt đầu gặt hái được những thành quả nhỏ.
Nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học, đã chọn ở lại thành phố để lập nghiệp.
“Vì gia đình trồng nho nên từ nhỏ đến lớn đã quá quen thuộc với nho rồi, tôi nghĩ phải lập nghiệp với cái gì mới hơn và cũng thích cuộc sống ở thành phố hơn. Tuy nhiên, mọi thứ không như mình nghĩ. Giờ bắt đầu với nho rồi mật nho vậy mà doanh thu mỗi tháng đều tăng, không phập phồng sợ lỗ như lúc mở tiệm hoa”, Phụng cho biết.
2. Cũng giống như Phụng, Trần Hoài An (26 tuổi, quê Tiền Giang) cố gắng trụ thành phố sau khi ra trường. An làm phục vụ rồi chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm trong lúc chờ việc làm đúng chuyên môn. Nhưng khi tìm được việc, An lại chán, thấy gò bó. Trở về quê, với tấm bằng đại học loại khá, An bắt đầu công việc photocopy, sửa chữa và cài đặt phần mềm máy tính ngay tại nhà.
Hơn một năm cố gắng, cùng với hỗ trợ từ gia đình, An mở một cửa hàng nhỏ chuyên về các loại máy tính, linh kiện đồ điện tử. An còn có thêm công việc bảo trì phần mềm quản lý cho khu công nghiệp gần nhà. Nói về công việc hiện tại, An hào hứng kể: “Lúc về quê, tôi chán lắm, chỉ muốn lên lại. Rồi nghe lời ba mẹ, thử một năm làm ở quê coi sao rồi tính tiếp. Được làm đúng chuyên môn, mà ở quê cũng không có nhiều kỹ sư tin học, nên công việc của tôi ít cạnh tranh, mọi thứ thuận lợi”.
3. Không học ở thành phố, nhưng Nguyễn Thị Kha (24 tuổi, quê Hậu Giang) quyết tâm tìm việc ở thành phố, với niềm tin mức lương hấp dẫn hơn ở quê. Gần nửa năm trời, Kha phải làm phục vụ ở quán ăn để chờ phỏng vấn từ những công ty đã nộp hồ sơ. Thất bại với 2 công ty đầu, Kha tiếp tục kiên nhẫn đợi. Với công ty thứ ba, cô chấp nhận làm trái ngành, nhưng cũng không quá một năm, Kha đành bỏ cuộc quay lại quê.
“Mình học Ngữ văn nhưng lại làm nhân viên chăm sóc khách hàng. Lương có khá hơn ở quê một chút nhưng tính ra cũng không dư được gì, vì tiền nhà, tiền ăn rồi tiền đi lại. Vì mình chưa rành đường và cũng không có xe máy riêng nên mỗi ngày đi làm cũng khá tốn kém. Làm ở quê, tuy không nhiều nhưng vẫn có dư, vì mình có sẵn gia đình”, Kha tâm sự.
4. Hai chữ “thành phố” đôi khi còn là áp lực với nhiều bạn trẻ. Nhiều người nghĩ học xong được làm việc ở thành phố mới sang. “Mỗi lần về quê, ai hỏi làm ở đâu, nói làm ở thành phố thì nhiều người khen hay, khen giỏi, cho rằng làm ở trên đó thì sang hơn dưới quê. Đó cũng là một áp lực lớn để mình cố gắng trụ lại thành phố đến giờ”, Ngọc Huế (27 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ.
Tuy tìm được công việc phù hợp ở thị thành, nhưng mức lương của một nhân viên thiết kế và chồng làm kỹ thuật viên điện tử, cuộc sống vợ chồng Huế cũng chỉ tạm ổn với việc ở nhà thuê và không dư dả nhiều. Giấc mơ an cư nơi thành phố vẫn còn là một mơ ước khá xa. “Tôi cũng thường xuyên xem các dự án nhà ở, gần như chỉ thấy tăng chứ không thấy giảm. Chưa có con cái gì, nên vợ chồng tôi cũng ráng cày hết năm nay, năm sau có thêm hỗ trợ của ba mẹ hai bên mới dám tính đến chuyện mua nhà trả góp”.
Mong muốn làm việc và định cư lại thành phố là mong muốn chính đáng, tuy nhiên giấc mơ “an cư lạc nghiệp” nơi thị thành không phải dễ, đòi hỏi người trẻ phải nỗ lực thật nhiều. “Quan trọng là chọn nơi nào thực sự phù hợp với mình, để mình có thể phát huy hết năng lực và chuyên môn của bản thân, còn chuyện thành phố hay thôn quê thì tùy góc nhìn mỗi người. Đôi khi cứ chạy theo số đông, cũng không hẳn sẽ thành công”, Nguyễn Văn Phụng chia sẻ thêm.