Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp vào đầu năm 2024.
Theo báo cáo từ Bộ Giao thông Vận tải, tính đến hết tháng 8/2023, trong tổng số 26 gói thầu thuộc dự án, có 9 gói đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu.
Trong đó, 8 gói thầu đang triển khai và hầu hết mới thực hiện việc xây dựng lán trại, tập kết thiết bị, nhân lực, phòng thí nghiệm, vật liệu đầu vào, lập bản vẽ thi công và thi công thử một số hạng mục.
Đối với các gói thầu còn lại, theo kế hoạch, có 6 gói dự kiến lựa chọn nhà thầu trong tháng 10/2023, có 2 gói dự kiến lựa chọn nhà thầu trong tháng 12/2023 và 4 gói phụ trợ còn lại thuộc dự án thành phần 1 dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu vào đầu năm 2024.
Về công tác giải phóng mặt bằng, đến tháng 8/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 458/597ha (đạt 77%). Trong đó, dự án thành phần 2 (Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ quan chủ quản) bàn giao 377/410ha, đạt 92%. Dự án thành phần 4 (Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản) bàn giao 4/65ha, đạt 6%. Dự án thành phần 6 (Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương làm cơ quan chủ quản) bàn giao 35/79ha, đạt 44%. Dự án thành phần 8 (Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An làm cơ quan chủ quản) bàn giao 42/44ha, đạt 97%.
Trong 20 khu tái định cư phục vụ dự án, có 18 khu tái định cư có sẵn (Thành phố Hồ Chí Minh 7 khu; Bình Dương 11 khu); 2 khu xây dựng mới (Đồng Nai 1 khu; Long An 1 khu) đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.
Liên quan đến nguồn vật liệu của dự án, thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 7,2 triệu m3, cát xây dựng khoảng 1,5 triệu m3. Đến nay, nguồn vật liệu được khảo sát đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 cát đắp nền, khoảng 1,25 triệu m3 cát xây dựng.
Tuy nhiên, lãnh độ Bộ Giao thông Vận tải cũng cảnh báo thời gian tới, các dự án cao tốc đồng loạt triển khai, nguồn cung về vật liệu (đặc biệt nguồn cát) sẽ có nguy cơ thiếu hụt.
Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có chiều dài hơn 76km, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng.
Tuyến đường vành đai này được đầu tư theo quy mô cao tốc vận tốc100km/giờ, quy mô phân kỳ 4 làn xe và đường song hành hai bên (đường đô thị 2-3 làn xe) đầu tư không liên tục. Tổng mức đầu tư dự án là gần 75.400 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.