Học sinh và giáo viên Trường THCS Hồng Bàng (quận 5, TPHCM) trong giờ học. Ảnh: CAO THĂNG
Đến nay, tại TPHCM, đã có 6/12 khối lớp thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) bung ra, nhưng lực lượng then chốt - giáo viên, lại là “mắt xích” yếu nhất trong dây chuyền đổi mới.
Chưa đủ tự tin đứng lớp!
Giữa tuần qua, trong giờ học môn Lịch sử - Địa lý của lớp 6/3, Trường THCS Bàn Cờ (quận 3), cô Trần Thị Xuân Hương triển khai theo hình thức cho học sinh làm việc nhóm.
“Lớp 6 là giai đoạn nền tảng về kiến thức và kỹ năng cho cả bậc học, nên ngoài việc chuyển tải kiến thức, chúng tôi còn rèn phương pháp học tập cho các em. Không phải lúc nào giáo viên cũng chuyển tải hết tư liệu dạy học mà bám vào kiến thức trọng tâm, đảm bảo yêu cầu cần đạt của môn học”, cô Hương bày tỏ.
Trước đây, theo chương trình cũ, hai môn Lịch sử và Địa lý được quy định thời lượng 1 tiết/môn/tuần. Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, hai phân môn nói trên được tích hợp trong cùng môn học với thời lượng 3 tiết/tuần, nhưng với yêu cầu cao hơn là tăng cường tổ chức hoạt động cho học sinh. Giáo viên phải linh hoạt triển khai các phương pháp, dự trù trước tình huống phát sinh để cô và trò không bị “cháy” giáo án.
PGS-TS Dương Bá Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) nhận định, khác biệt lớn nhất của Chương trình GDPT 2018 so với trước đây là dạy học theo yêu cầu cần đạt của chương trình, không kiểm tra, đánh giá nội dung trong sách giáo khoa. Giáo viên chủ động lựa chọn nội dung giảng dạy phù hợp, không bắt buộc dạy hết tất cả kiến thức trong sách giáo khoa. Ngoài ra, ở chương trình cũ, học sinh nắm vững kiến thức là giáo viên hoàn thành tiết dạy, nhưng chương trình mới đòi hỏi người học phải biết vận dụng, mô tả kiến thức.
Thầy Đinh Nguyễn Đông Triều, giáo viên Toán, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) bày tỏ: “Sĩ số học sinh/lớp đang là rào cản khiến giáo viên gặp khó khi tổ chức hoạt động cho học sinh. Để học sinh vận dụng được kiến thức, thời lượng giảng dạy phải tăng thêm, vì từ hiểu biết đến vận dụng đòi hỏi nhiều kỹ năng, kiến thức của học sinh”.
Ở góc độ khác, theo cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), thời gian đầu khi triển khai các môn học mới, giáo viên dễ rơi vào tình huống khó, nhất là giáo viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm. Hầu hết các thầy, cô được hỏi đều cho biết, cần thêm 4-5 năm nữa mới đủ tự tin đứng lớp.
Những “trói buộc” nguồn tuyển
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận 6, cho biết, tính đến cuối tháng 9-2022, quận còn một trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên Tiếng Anh và 7 trường thiếu giáo viên Tin học - hai môn học bắt buộc triển khai từ lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018. Tương tự, tại quận Gò Vấp, bậc tiểu học còn thiếu 20 giáo viên Tiếng Anh và 4 giáo viên Tin học.
Tiết học Khoa học tự nhiên được triển khai tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM). Ảnh: THU TÂM
Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú Phan Sĩ Đạt phân tích: “Các trường tiểu học không tuyển được giáo viên Tiếng Anh do thời gian dạy học không linh hoạt bằng các bậc học khác, yêu cầu về định mức số tiết dạy trong tuần khá cao khiến giáo viên có xu hướng chọn bậc học cao hơn, hoặc công tác ở môi trường khác với thu nhập tốt”.
Thừa nhận thực tế này, Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) Nguyễn Minh Thiên Hoàng cho biết, thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học là khó khăn chung của nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Bởi mặc dù là địa phương đi đầu cả nước về dạy hai môn Tiếng Anh và Tin học, nhưng lâu nay các trường đều dựa vào nguồn tuyển giáo viên hợp đồng. Hiện nay, một số quận, huyện tính đến phương án tuyển dụng giáo viên liên trường thay cho từng trường riêng lẻ trước đây. Tuy nhiên, giải pháp này đặt ra nhiều khó khăn về công tác quản lý như biên chế, quy định số tiết dạy cho giáo viên...
Đối với bậc THPT, năm học 2022-2203, Chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai ở lớp 10 với hai môn học mới là Âm nhạc và Mỹ thuật. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên triển khai, hai môn học này vắng bóng trong kế hoạch giảng dạy của nhiều trường do không có giáo viên giảng dạy.
Một cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, một trong những lý do khiến nguồn tuyển giáo viên nghệ thuật khan hiếm ở bậc THPT là do trước đây hầu hết giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật được đào tạo trình độ cao đẳng, sau này khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành mới nâng chuẩn lên đại học. Vì vậy, rất ít ứng viên đủ điều kiện tham gia dự tuyển viên chức.
Ngoài ra, trong chương trình cũ, hai môn học này triển khai theo hình thức câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, nhu cầu giảng dạy không nhiều, ít học sinh tham gia. Năm học này, để giải quyết tạm thời bài toán thiếu giáo viên, các trường phải sử dụng giáo viên hợp đồng. Về lâu dài, hai trường Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm TPHCM cho biết sẽ mở thêm các lớp đào tạo giáo viên nghệ thuật. Tuy nhiên, để thu hút thêm nguồn tuyển, trường phổ thông kiến nghị có thêm chính sách ưu đãi về thu nhập cho giáo viên các môn đặc thù.
Ông CAO ĐỨC KHOA, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1 “Để tháo gỡ khó khăn cho giáo viên dạy môn tích hợp, hàng tuần các tổ chuyên môn của trường đều họp chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khúc mắc cho giáo viên trong quá trình soạn bài giảng, từ đó giúp nâng cao hiệu quả dạy học”. |