Để ngăn chặn hành vi chuyển giá, lãi thật, lỗ giả tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Tổng cục Thuế chính thức đề xuất đưa phương án thỏa thuận giá trước vào luật.
Thỏa thuận giá trước
Dự thảo sửa đổi bổ sung luật Quản lý thuế dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2012. Sau hơn 4 năm thực hiện luật Quản lý thuế, cơ quan thuế đã kiểm tra thuế tại 29.583 DN/năm, phát hiện truy thu 3.513 tỉ đồng/năm, phạt 530 tỉ đồng/năm. Nợ thuế trên tổng thu ngân sách giảm từ 9,5% năm 2008 xuống 2009 là 7,7% và 2010 là 7,3%. |
Tại buổi họp báo về việc sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế 2006 do Tổng cục Thuế tổ chức chiều 20.2, bà Nguyễn Vân Chi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế - cho biết thời gian qua, có tình trạng lỗ giả, lãi thật trong nghiệp vụ mua bán hàng hóa tại các DN FDI, tập đoàn xuyên quốc gia.
Mặc dù, Bộ Tài chính có Thông tư 66, cho phép so sánh, xác định giá bán thị trường và giá bán nội bộ trong các công ty nhưng do có quá nhiều phương pháp tính giá khác nhau, nên cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phát hiện hành vi chuyển giá.
Theo bà Chi, các nước như Trung Quốc, Thái Lan... đều có quy định chặt chẽ về chống chuyển giá, trong đó quan trọng nhất là cơ chế thỏa thuận trước về nguyên tắc xác định giá giữa cơ quan thuế và các công ty đa quốc gia.
Cụ thể, các tập đoàn đa quốc gia phải chủ động đề xuất mức giá và các biện pháp tính giá giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi thực hiện nộp thuế. Trên cơ sở giá do các DN đưa ra, cơ quan thuế có thể phối hợp cùng các DN, với cơ quan có thẩm quyền ký kết hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và đưa ra phương pháp tính giá hợp lý. Cơ quan thuế 2 nước giám sát và kiểm soát chống gian lận, chuyển giá.
Ông Cao Anh Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết đây là phương pháp mới chưa áp dụng tại Việt Nam. Về cơ bản, thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế và người nộp thuế từ 3 - 5 năm.
Phương pháp xác định giá tính thuế được ban hành trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế. Để ký kết được đàm phán cũng mất từ 1 - 2 năm, sau đó triển khai thỏa thuận mất thêm khoảng 2 - 3 năm.
“Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện thí điểm đối với Samsung và một số DN FDI khác. Samsung thực hiện kê khai số liệu chi phí, giá thành, giá bán… tạo nên lợi nhuận tại Việt Nam được 3 năm. Tuy nhiên do mới chỉ đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có thỏa thuận ký kết nên chưa ảnh hưởng đến kết quả nộp thuế. Việc thỏa thuận cũng chỉ có thể thực hiện sau khi luật sửa đổi được ban hành”, ông Tuấn cho biết.
Hoàn thuế nhanh
Samsung đang thực hiện thí điểm phương án chống chuyển giá |
Liên quan đến nhóm nội dung cải cách thủ tục hành chính, bà Chi cho biết luật sửa đổi lần này sẽ giảm tần suất kê khai thuế từ 12 lần/năm xuống 4 lần/năm đối với người nộp thuế có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, chủ yếu DN vừa và nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh sẽ được kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) 3 tháng/lần, còn các DN lớn vẫn thực hiện kê khai 1 tháng/lần.
“Luật hiện hành chỉ quy định kê khai thuế theo tháng, năm, tạm tính theo quý hoặc theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế, chưa có quy định kê khai theo quý, vì vậy dự thảo luật sửa đổi sẽ được bổ sung quy định khai thuế theo quý giúp người nộp thuế giảm chi phí hành chính”, bà Chi nói.
Luật sửa đổi cũng rút ngắn thời hạn hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc. Đối với trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng từ 60 ngày làm việc xuống còn 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Ngoài ra, rút ngắn thời gian gia hạn khai thuế từ 5 ngày xuống 3 ngày làm việc.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế có nhiều trường hợp DN có số tiền truy thu lớn, bị phạt từ 1 đến 3 lần, vượt quá khả năng thanh toán trong 1 lần khi gặp khó khăn về tài chính trong ngắn hạn.
Luật mới tạo điều kiện cho DN có nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tối đa cưỡng chế thuế thông qua việc cho phép nộp dần trong 12 tháng, nhưng áp lãi chậm nộp. Lãi chậm nộp là 0,05%/ngày, 1 năm là 18%/năm.
Đối với việc cưỡng chế thi hành quyết định thuế, bà Nguyễn Vân Chi cho biết hiện có 7 biện pháp và phải thực hiện theo trình tự nhất định, nhưng khi thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Luật sửa đổi theo hướng cho phép áp dụng linh hoạt các biện pháp cưỡng chế khi người nộp thuế có dấu hiệu bỏ trốn, tẩu tán tài sản.
Ngoài ra, việc nộp thuế qua NH tạo thuận lợi cho người nộp, nhưng thời gian qua một số phát sinh chậm nộp do NH chậm chuyển. Do đó nếu cho NH hoặc tổ chức ủy nhiệm thu, NH nộp chậm thì các tổ chức này cũng phải nộp tiền lãi.