Tranh luận về sự tồn tại của mô hình trường chuyên đang thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và chính những học sinh trường chuyên, đây là môi trường cần thiết để bồi dưỡng những cá nhân có tố chất, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước.
Nôi bồi dưỡng nhân tài
Dù chưa có những số liệu thống kê cụ thể, nhưng ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định chất lượng đào tạo của các trường chuyên vượt trội so với đại trà. Điều đó được thể hiện bằng tỷ lệ sinh viên là cựu học sinh trường chuyên chiếm đa số trong các lớp tài năng ở các trường đại học, bằng kết quả thi quốc tế của Việt Nam luôn có thành tích cao.
Cũng theo ông Thành, trường chuyên không chỉ “học gạo”. “Nếu nhìn vào danh sách các câu lạc bộ của học sinh trường chuyên, mọi người sẽ thấy các em có rất nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng, với rất nhiều kỹ năng,” ông Thành nói.
Em Đỗ Hạnh Ly, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Ngoài học, chúng em có rất nhiều câu lạc bộ để phát triển những năng khiếu khác của bản thân, từ đàn, hát, nhảy, hội họa, khoa học... Đó là cơ hội tốt để em khám phá, phát triển bản thân, không phải chỉ mỗi việc học.”
Cũng theo Hạnh, trong việc học, trường chuyên là môi trường tuyệt vời với thầy cô giỏi, cung cấp nhiều phương pháp học và tài liệu để học sinh tự học thêm. Em cũng có thể học hỏi được nhiều từ bạn bè khi cùng trao đổi ở lớp và tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Với những cựu học sinh chuyên, những giá trị trường chuyên mang lại càng được cảm nhận rõ hơn. "Sau ba năm ở trường Ams thì tôi có hệ thống cách tư duy, cách phản biện vấn đề theo nhiều góc nhìn khác nhau. Trường Ams đem lại cho tôi lối tư duy cởi mở, môi trường tiếp xúc với rất nhiều bạn giỏi mà bây giờ các bạn đều có những công việc tốt được trọng vọng ở các công ty lớn trên thế giới,” Nguyễn Công Thái Sơn, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam khóa 2010-2013 chia sẻ.
Không thể xã hội hóa
Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, mỗi học sinh sẽ có năng lực, tố chất khác nhau. Với những học sinh có năng khiếu nổi trội, việc đặt trong môi trường giáo dục bình thường sẽ khó phát triển được tài năng của các em nên việc phát hiện, bồi dưỡng là cần thiết.
Đây cũng là chia sẻ của thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội. Thầy Lâm cho biết quốc gia nào cũng phải lo dào tạo nhân tài. “Không thể bỏ trường chuyên, cũng đừng bao giờ nghĩ tư nhân hóa trường chuyên,” thầy Lâm nói.
Từng là một cựu học sinh chuyên, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết ông ủng hộ trường chuyên công lập vì hệ thống đó là cần thiết, giúp đào tạo nguồn nhân lực vượt trội, tạo điều kiện cho người có năng khiếu trong từng lĩnh vực phát huy được được tố chất của mình, nhất là với những học sinh nghèo.
Trước những ý kiến về việc trường chuyên là bất bình đẳng, ông Dũng cho rằng việc trường chuyên được đầu tư cao hơn các trường khác là bình thường vì trường chuyên có đội ngũ giáo viên là những người giỏi thì phải trả lương xứng đáng hơn.
Cũng theo ông Dũng, quan điểm trường chuyên là nơi nhà nước đầu tư cho người giàu cũng chưa hợp lý vì người giàu đóng thuế gấp nhiều lần người nghèo. “Nói công bằng hay không phải trên cơ sở số liệu cụ thể, nếu không, nói vậy là suy diễn. Trên thế giới, nhất là những nơi coi trọng công bằng xã hội vẫn có trường chuyên,” ông Dũng phân tích.
Theo đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần chống lại những tiêu cực nếu có ở trường chuyên, như việc chạy chọt để đỗ, cách đánh giá không hợp lý; làm sao để con nhà nghèo có năng lực có thể vào trường và được trợ giúp. “Phải chống những tiêu cực đó chứ không phải bỏ mô hình này,” ông Dũng kiến nghị.
Cùng quan điểm, ông Phạm Tất Thắng cho rằng vấn đề là quản lý thế nào để trường chuyên không bị biến tướng.