Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD (giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước); giá trị xuất siêu nông, lâm, thuỷ sản là 1,76 tỷ USD (giảm 39,6%).
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: lâm sản đạt 3,11 tỷ USD (giảm 28,3%), thủy sản đạt 1,79 tỷ USD (giảm 29%).
Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ và trở thành thị trường nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần). Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%). Thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%). Hàn Quốc đứng thứ 4 với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).
Nguyên nhân chính của tình trạng "giảm tốc" trong xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản này là do các yếu tố: kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga-Ukraine, tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Thêm vào đó, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường.
Do chịu cùng lúc nhiều yếi tố tiêu cực, ở thời điểm hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tìm được đơn hàng xuất khẩu trong năm 2023.
Đề cập về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng sẽ chủ động hối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.