Ngược lại, Việt Nam cũng phải sử dụng công cụ khi cần để đảm bảo công bằng và lợi ích cho doanh nghiệp Việt. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, phòng vệ thương mại quan trọng như thế nào với nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam đã tham gia FTA Việt Nam - EU (EVFTA)?
Ông LÊ TRIỆU DŨNG: Các biện pháp phòng vệ thương mại (gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được WTO, các FTA cho phép các nước sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế (như hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp) cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp để bảo vệ các ngành sản xuất, doanh nghiệp (DN) trong nước khi mà hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết.
Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào rất nhiều FTA và gần đây nhất là EVFTA, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng quan trọng với nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất, DN trong nước. Với các FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các DN Việt Nam, thậm chí là các DN EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn nên nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng lên.
- Gần đây, các nước nhập khẩu liên tục thông báo áp lệnh điều tra chống bán phá giá với sản phẩm của chúng ta. Còn Việt Nam đang thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại như thế nào để đảm bảo môi trường thương mại công bằng cho doanh nghiệp?
-Chúng ta đã và đang thực thi nhiều biện pháp. Chính phủ, Bộ Công thương đã thành lập Cục Phòng vệ thương mại chuyên trách các hoạt động phòng vệ thương mại, với nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị cho sự ra đời của Luật Quản lý ngoại thương. Bộ Công thương đã ban hành thông tư quy định áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tiến tới các hiệp định có hiệu lực trong tương lai như EVFTA.
Đến nay, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 9 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ. Số lượng vụ việc trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng, không chỉ thể hiện mức độ cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước mà còn cho thấy năng lực của doanh nghiệp trong việc chủ động lựa chọn sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng. Hiện Bộ Công thương cùng các bộ ngành cũng đang sát cánh với doanh nghiệp để giải quyết, ứng phó với gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong các ngành quan trọng như: thủy sản (tôm, cá tra), nông sản, thép, đồ gỗ...
- Để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại gia tăng từ các nước trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta vượt qua hoặc tránh khỏi sự cố?
-Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành đề án xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình; hướng dẫn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng. Bộ Công thương cũng đang chủ động làm việc, kể cả đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu những tác động bất lợi.
Bộ Công thương cũng đang đấu tranh pháp lý bằng cách đề nghị Chính phủ đưa vụ việc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO khi những biện pháp mà các nước áp dụng có dấu hiệu vi phạm quy định WTO.