Chủ tịch KorCham: Việt Nam nên tạo điều kiện cho Samsung đầu tư thêm lĩnh vực phần mềm

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông HONG SUN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), cho biết Việt Nam vẫn đang là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư (NĐT) Hàn Quốc, đặc biệt là về lĩnh vực năng lượng và công nghệ cao.
Khu nhà ăn tập thể tại nhà máy Samsung Việt Nam. Điều này cho thấy Samsung rất quan tâm đến hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
Khu nhà ăn tập thể tại nhà máy Samsung Việt Nam. Điều này cho thấy Samsung rất quan tâm đến hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG

PHÓNG VIÊN: - Với tư cách là người đại diện cho các DN Hàn Quốc tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam sau những nỗ lực cải cách?

Ông HONG SUN: - Môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay đã và đang được cải thiện hơn trước, tiến bộ hơn cả là khuôn khổ pháp lý được kiện toàn và rõ ràng hơn, giúp NĐT ngoại an tâm hơn.

Nhưng xét về khách quan, khi Việt Nam muốn chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ các ngành truyền thống mang nặng tính gia công như may mặc, giày dép, túi xách… sang những ngành công nghệ cao hơn như sản xuất chip, linh kiện điện tử, máy móc chính xác để tăng giá trị, cần phải thu hút được các NĐT là những tập đoàn lớn trên thế giới.

Để làm được điều này Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, ổn định về chính sách nhằm tạo sức hấp dẫn. Bởi lúc này Việt Nam không chỉ cạnh tranh với những nước đang phát triển, còn phải cạnh tranh với các nước phát triển cao như Mỹ, EU. Như vậy, nền tảng khuôn khổ pháp lý và sự ổn định là yếu tố quan trọng đầu tiên, có thể xem là điều kiện cần.

Bên cạnh đó, điều kiện đủ để nâng cao năng lực cạnh tranh về thu hút FDI chất lượng cao, là phải có sự đầu tư bài bản, có hệ thống về cơ sở hạ tầng. Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khu vực châu Á về vấn đề này, đặc biệt về cơ sở hạ tầng ngành năng lượng - cụ thể là ngành điện.

Bởi những ngành công nghệ cao như sản xuất chip, máy móc chính xác đều đòi hỏi cần phải được cung cấp đầy đủ nguồn điện, không để xảy ra sự đứt gẫy dây chuyền sản xuất do mất điện. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chú trọng đầu tư, đặt ra những ưu tiên riêng để phát triển hệ thống nguồn điện phù hợp cho chuyển dịch sản xuất trong bối cảnh mới. Chỉ như vậy các NĐT ngoại, nhất là những tập đoàn lớn mới an tâm đầu tư.

- Thời gian qua, Hàn Quốc đã vươn lên thành NĐT lớn nhất tại Việt Nam. Ông đánh giá thế nào triển vọng dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm nay và DN Hàn Quốc quan tâm đến lĩnh vực gì nhất?

- Những năm gần đây, Hàn Quốc đã trở thành NĐT số 1 ở Việt Nam. Đầu tư của các DN Hàn Quốc vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp chế biến, chế tạo, đến xây dựng, dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao - công nghiệp điện tử.

Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về số vốn đăng ký và số dự án đầu tư, với gần 9.500 dự án và hơn 80 tỷ USD. Trong năm 2022, Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với hơn 370 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.

Hiện nay, với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, thời gian qua với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 2 nước cũng tạo xung lực mới, làm sâu sắc và phong phú hơn các lĩnh vực hợp tác song phương, đặc biệt là thương mại đầu tư.

Sự dịch chuyển của các công ty hàng đầu của Hàn Quốc vào Việt Nam với mức đầu tư lớn, đang tạo tiền đề cho sự phát triển ngày càng bền vững giữa 2 quốc gia, đồng thời cho thấy Việt Nam luôn là điểm đầu tư hấp dẫn của DN Hàn Quốc.

Về phía thị trường Việt Nam, triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá rất sáng sủa. Nhiều tổ chức tài chính và kinh tế có uy tín trên thế giới thời gian qua đều có chung nhận định tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam vẫn duy trì ở mức 6,2-6,3%.

Đây là nền tảng vững chắc để tôi tin tưởng rằng các NĐT Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư tại thị trường này. Nhưng, hiện tại Việt Nam cũng đang gặp những thách thức. Thứ nhất, thách thức đến từ những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, sự thay đổi của kinh tế toàn cầu, đã và đang ảnh hưởng đến DN ở Việt Nam nói riêng và tình hình xuất khẩu ra các thị trường bên ngoài nói chung.

Điều này cũng ảnh hưởng đến các NĐT Hàn Quốc. Đơn cử, hiện nay 2 thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và DN Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam, là Mỹ và EU đều đang có sự suy giảm đáng kể. Nếu 2 thị trường này ổn định và phục hồi trở lại sẽ hấp dẫn các NĐT Hàn Quốc đến Việt Nam hơn.

Thứ hai, thách thức từ trong nội tại. Khung khổ pháp lý của Việt Nam dù có được cải thiện song vẫn chưa hoàn chỉnh. NĐT Hàn Quốc muốn có những khung khổ pháp lý, cơ chế hoàn chỉnh và môi trường ổn định hơn.

Thí dụ ngành năng lượng, đặc biệt là điện, là lĩnh vực đang được rất nhiều DN Hàn Quốc quan tâm, song Việt Nam vẫn chưa khuyến khích. Nếu có cơ chế rõ ràng, hàng loạt dự án với quy mô tỷ USD đầu tư từ các DN Hàn Quốc sẽ ngay lập tức đổ vào lĩnh vực này.

- Ông có thể nói thêm về thông tin Samsung sẽ dịch chuyển sản xuất và mở rộng đầu tư sang Ấn Độ?

- Theo đánh giá của tôi, mức độ tiêu thụ Samsung ở Việt Nam cũng như của cả thị trường thế giới rất lớn. Quy mô vốn hóa của tập đoàn này lên đến hơn 20 tỷ USD, đây là con số khổng lồ. Thực tế, suốt hơn 30 năm qua Samsung đã không ngừng mở rộng, trong đó có thị trường Việt Nam.

Nên bây giờ trong bối cảnh mới, tập đoàn có tính chất toàn cầu này cần có sự điều tiết về cơ cấu thị phần cũng như sản lượng. Cụ thể, chuyển dịch từ khu vực này sang khu vực kia, thay đổi sản phẩm này, sản phẩm kia. Ở góc độ DN, đây là chiến lược lâu dài của tập đoàn.

Thế nên, việc Samsung dịch chuyển mở rộng sản xuất thêm sang thị trường Ấn Độ cũng là chiến lược của họ. Tôi cho rằng Samsung vẫn quan tâm hoạt động tại Việt Nam.

Hiện nay, ở Việt Nam, Samsung không chỉ đầu tư về mở rộng thị trường và sản xuất phần cứng còn tập trung nhiều hơn vào chiều sâu - tức phần mềm và công nghệ. Hồi cuối tháng 12-2022, Samsung đã triển khai dự án xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo (R&D) tại Hà Nội, với quy mô thu hút hàng trăm nhân lực có chất lượng cao đến làm việc.

Đây được cho là đầu tư vào chiều sâu, huy động chất xám của Samsung tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để giúp Samsung không chỉ phát triển phần cứng mà còn phát triển cả phần mềm, tạo ra nhiều giá trị hơn, tức phát triển theo chiều sâu.

Các tin khác