Cuối buổi sáng 15-2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
![](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/bcgmbliv/2025_02_15/1-37-5951.jpg.webp)
Quốc hội thảo luận tại tổ. Ảnh: QUANG PHÚC
Thảo luận nội dung này, cơ bản các ý kiến tại tổ TPHCM tán thành cần có cơ chế để đột phá trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đại biểu (ĐB) Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM quan tâm vấn đề ưu đãi thuế trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Theo ông, hiện nay, khi các trường đại học công lập tự chủ là Nhà nước cắt ngân sách, nên giai đoạn tự chủ ban đầu rất khó khăn, vì không có nguồn, học phí không thể tăng nhiều; các trường thì hoạt động phi lợi nhuận, nên năm nào hết năm đó, không có dư để dành cho hoạt động KHCN.
Do đó, ĐB đề nghị không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo của các trường đại học, điều này ĐB đã góp ý rất nhiều lần.
![](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_15/dai-bieu-vu-hai-quan-tphcm-4406-7522.jpg.webp)
Đại biểu Vũ Hải Quân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
Về việc khoán sản phẩm khoa học cuối cùng, theo ĐB Vũ Hải Quân, với các nghiên cứu xã hội, sản phẩm cuối cùng có thể là một bài báo khoa học, còn với nghiên cứu khoa học cơ bản, phải có cơ chế về vấn đề rủi ro. Bởi không phải nghiên cứu nào cũng ra được sản phẩm cuối cùng.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) tán thành các chính sách thí điểm, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, vì trong quá trình nghiên cứu, sai số nhiều, rủi ro lớn. Tuy nhiên, cũng phải có phân loại, chỉ chấp nhận rủi ro với một số loại hình, tránh lãng phí.
Về cơ chế thanh toán trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ĐB Nguyễn Minh Đức cho biết, hiện nay rất trăn trở: “Nhiều người nói việc thanh toán còn khó hơn nghĩ đề tài và thực hiện đề tài. Ở đây, phải tính cả việc đối xử thế nào với nhà khoa học. Mong tất cả các nhà khoa học đều được tham gia nghiên cứu khoa học, thành công thì chuyển giao cho cơ quan Nhà nước và được thanh toán các chi phí trong quá trình nghiên cứu một cách thuận lợi”.
![](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_15/dai-bieu-nguyen-minh-duc-tphcm-2382-6599.jpg.webp)
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Minh Đức cũng nêu, về khen thưởng trong lĩnh vực KHCN, rất khó định lượng, do đó rất cần quy định rõ, nhất là nhiều nhà khoa học nhiều khi không cần tiền mà chỉ cần được ghi nhận bằng huân, huy chương.
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.
Một số ĐB cho rằng, cần làm rõ hơn việc miễn trừ trách nhiệm, những ai được miễn trừ và được miễn trừ trách nhiệm gì.
![](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_15/chu-tich-ubnd-tphcm-phan-van-mai-phat-bieu-tai-phien-thao-luan-to-8755-7995.jpg.webp)
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC
Phát biểu tại thảo luận tổ, ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, tán thành việc cần có những chính sách mạnh mẽ, đột phá để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
ĐB Phan Văn Mãi đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng nghị quyết, mở rộng các pháp nhân tiến hành hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm huy động hết năng lực quốc gia để phát triển đột phá lĩnh vực này.
Theo ĐB Phan Văn Mãi, đầu tư cho hoạt động KHCN có cả ngân sách và ngoài ngân sách, cần cơ chế để khuyến khích đầu tư, do đó, cần làm rõ vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu KHCN, tức thương mại hóa kết quả này.
Cụ thể, cần phân định rõ tài sản của các đơn vị hoạt động KHCN: cái gì thuộc về Nhà nước và cái gì thuộc về tổ chức, cá nhân nghiên cứu KHCN được sở hữu.
Ví dụ, sau khi nghiên cứu, sản phẩm được thương mại thì cần làm rõ đưa về Nhà nước bao nhiêu và bao nhiêu được đưa vào quỹ phát triển KHCN của đơn vị đó.
“Cần mạnh dạn chỗ này, tránh việc nhà khoa học làm xong thì cho ngăn kéo. Khi sản phẩm của nhà khoa học được thương mại hóa, tạo nên trăm tỷ, ngàn tỷ đồng thì chúng ta không nên tiếc gì. Nếu chúng ta làm được cơ chế này thì nhà khoa học sẽ thực sự dấn thân, chúng ta cũng hướng đến hoạt động KHCN thực chất có thể sử dụng được, còn không sẽ chỉ dừng ở việc lấy tiền nghiên cứu là xong”, Chủ tịch UBND TPHCM nêu quan điểm.
Mặt khác, cần có cơ chế ưu đãi về thuế hơn với các nhà khoa học, mạnh dạn miễn thuế cho hoạt động KHCN, sẽ khuyến khích, thu hút được các nhà khoa học quốc tế.
ĐB Phan Văn Mãi dẫn chứng, hiện nhiều quốc gia cấp học bổng tiến sĩ cho chúng ta nhưng thực ra họ đang tận dụng nguồn chất xám của chúng ta để tham gia các đề tài nghiên cứu của họ. Nếu chúng ta có cơ chế, họ sẽ tổ chức việc nghiên cứu tại Việt Nam, tạo cơ hội nghiên cứu sản phẩm khoa học cũng như đào tạo nhân lực. Do đó, cần mạnh dạn ưu đãi về thuế cho hoạt động KHCN.
![](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_15/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tphcm-thao-luan-tai-to-149-5299.jpg.webp)
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Phan Văn Mãi cũng cho rằng, cần thực hiện việc miễn trừ trách nhiệm. Cần tán thành việc tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học.
Tức là nhà khoa học được miễn trừ trách nhiệm khi không do lỗi chủ quan, khi đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học. Cùng với đó là việc đầu tư không phân biệt tư nhân hay Nhà nước, ai làm tốt thì chúng ta đầu tư.
"Chúng ta cần mạnh dạn có cơ chế để đột phá, không nên quá sợ vấn đề lợi ích nhóm, nếu đủ bằng chứng tiêu cực, sai phạm thì xử lý, như thế mới đúng tinh thần khai phóng trong lĩnh vực KHCN", Chủ tịch UBND TPHCM nói.