Lễ khai giảng năm học 2021-2022 của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong diễn ra trang trọng trong khoảng 45 phút đồng hồ.
Đến dự Lễ khai giảng có Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, Giám đốc Sở GD0ĐT Nguyễn Văn Hiếu, cùng đại diện thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Thông tin về tình hình chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học này ngành giáo dục đứng trước rất nhiều khó khăn. Tất cả học sinh của TP không được đến trường và phải mở đầu năm học mới trên môi trường Internet.
Ngày 4-9, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết ngành GD-ĐT xác định dạy và học trên môi trường Internet đến hết học kỳ 1. Bên cạnh đó, xây dựng các kế hoạch sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giáo viên sẽ ưu tiên kèm cặp, củng cố, giúp đỡ các em học sinh thiếu thiết bị học tập, hoặc hoạt động không hiệu quả trên môi trường Internet để củng cố bài làm sao để kết thúc năm học các em sẽ có được kiến thức.
TPHCM đã có kiến nghị với bộ chủ động kéo dài thời gian năm học khoảng 2 tuần, để đảm bảo tổng thời lượng, ôn tập củng cố cho các em khi học trên môi trường Internet.
Cũng trong sáng 5-9, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022 với các hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương và tình hình dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19.
Lễ khai giảng năm nay, nhiều địa phương tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến; đặc biệt năm nay, lần đầu tiên học sinh một số địa phương dự lễ khai giảng năm học mới qua truyền hình.
Dự buổi lễ có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Đây là lễ khai giảng đặc biệt của thầy cô và học sinh Thủ đô. Do Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên lễ khai giảng chỉ tổ chức tại một địa điểm duy nhất, và tường thuật trực tiếp cho hơn 2 triệu học sinh thủ đô cùng theo dõi. Sở GD-ĐT yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh xem lễ khai giảng qua truyền hình hoặc qua phần mềm học tập trực tuyến.
Ngay sau lễ khai giảng, học sinh Hà Nội đã tham gia buổi sinh hoạt trực tuyến để bắt đầu chính thức học tập từ ngày 6-9.
Ở phía Bắc, tỉnh Sơn La khai giảng trực tuyến tới nhiều điểm cầu.
Là "vùng xanh" an toàn trước dịch Covid-19, trên 150.000 học sinh Lai Châu đã tham dự lễ khai giảng năm học, vừa bảo đảm công tác phòng dịch.
Các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng rực rỡ cờ hoa trong ngày khai giảng năm học mới 2021-2022.
Trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, học sinh Thái Bình đến trường khai giảng trực tiếp. Tuy nhiên, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, tất cả trường học đều không tổ chức tập trung toàn trường, mà tại mỗi nhà trường, địa điểm chính tổ chức chương trình khai giảng là phòng hội đồng, với thành phần tham dự là các thầy cô trong ban giám hiệu, giáo viên bộ môn, ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện chính quyền địa phương.
Tại Quảng Ninh, do dịch bệnh trong tỉnh được kiểm soát chặt chẽ nên học sinh toàn tỉnh được dự lễ khai trường trực tiếp.
Tỉnh Bắc Giang cơ bản các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn tổ chức khai giảng trực tiếp, song giảm quy mô và số lượng học sinh (giảm từ 50 đến 70% học sinh/trường).
Tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức lễ khai giảng duy nhất ở Trường THPT Chuyên Bắc Ninh (TP Bắc Ninh) và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Tất cả học sinh và đại biểu đã được xét nghiệm Covid-19, thực hiện 5K phòng dịch Covid-19…