Nhưng điều khó hiểu là đến nay các thông tin cảnh báo về những món nợ, cạm bẫy đa cấp vẫn chưa trở thành bài học xương máu để nhiều người né tránh. Gần đây, vấn nạn bán hàng đa cấp vẫn cứ bung nở, hoạt động ngày càng tinh vi hơn, những vụ lừa đảo, gài bẫy tham gia đa cấp vẫn đang tiếp diễn. Kinh doanh đa cấp vẫn đang như những cái vòi bạch tuộc quấn chặt lấy những người nhẹ dạ, cả tin.
Trước đây, “đa cấp” chủ yếu là bán thực phẩm chức năng, còn hiện nay đã lan sang nhiều sản phẩm khác, nào là mỹ phẩm làm đẹp, sản phẩm vệ sinh, hàng tiêu dùng, đồ thời trang, thậm chí cả thiết bị y tế, đồ uống... Nhiều trang mạng xã hội cũng lan truyền các video clip hướng dẫn, mời gọi tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp sản phẩm này để nhận nguồn thu nhập thụ động hàng ngàn USD mỗi tháng. Danh sách các công ty kinh doanh đa cấp bị người tiêu dùng cảnh báo, đến nay vẫn cứ tiếp tục dài thêm.
Có thể bản chất kinh doanh đa cấp không xấu như người bán hàng đa cấp phân trần, nhưng ở nước ta, trên thực tế có rất nhiều kẻ đang đua nhau sử dụng mánh khóe để lừa đảo, kiếm tiền bằng mọi giá qua bán hàng đa cấp. Các “trùm” đa cấp nằm ở “đỉnh tháp” vẫn tích cực sử dụng chiêu trò trá hình như tuyển đại lý “việc nhẹ lương cao”, nhiều đãi ngộ, chiết khấu không đâu bằng, tặng điện thoại đắt tiền, tặng tiền, đưa đi du lịch… để không ngừng mở rộng mạng lưới.
Đến lượt các đại lý đang là “con mồi” của trùm, cũng tiếp tục sử dụng chiêu bài như vậy để tìm đại lý, con mồi cấp dưới. Nhiều người còn bỏ cả vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng để ôm đống kem trộn làm trắng da, thực phẩm chức năng làm nở vòng 1, giảm vòng 2, chữa xơ gan, suy thận… để được lên “boss”, lên “tổng đại lý”, lên đỉnh tháp… Càng nhập nhiều hàng, càng bán được lắm thì càng được nhiều chiết khấu, dẫn đến tình trạng, tầng cao tìm mọi thủ đoạn gài bẫy tầng dưới.
Vì thế, lượng nạn nhân sập bẫy hệ thống ngày càng đông hơn. Nhiều nạn nhân đang ở tầng đáy, trót ôm cả “núi hàng” tồn, mà không thể thoát ra được, bán không ai mua, bí quá quay ra dụ dỗ cả người thân, bạn bè. Theo số liệu của Sở Công thương TP Hà Nội, chỉ tính riêng ở thành phố này đã có hơn 140.000 người bán hàng đa cấp.
Mạng xã hội ra đời càng tiếp thêm sức cho đa cấp bung nở. Giờ vào Facebook, người người đua nhau bán hàng online, khoe thu nhập 200 - 300 triệu đồng/tháng, thậm chí gần 1 tỷ đồng/tháng để lôi kéo, gài bẫy người khác vào hệ thống. Có nhiều người chỉ tích cóp được vài chục triệu đồng nhàn rỗi, cũng ném cho đa cấp. Vì thế, trên “tổng công ty”, doanh số cứ tăng ầm ầm, còn ở bên dưới, người người ngậm ngùi ôm đống hàng ế!
Điều đáng lo nữa, đó là nhiều sản phẩm bán trong hệ thống đa cấp thường kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, chưa được kiểm định nhưng lại được cả mạng lưới thi nhau “nổ”. Thậm chí họ còn thuê một số diễn viên, người mẫu, bác sĩ quảng bá chất lượng, uy tín cho hàng đa cấp. Trong khi những người ấy có khi cả đời cũng chưa chắc xài những loại kem trộn, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rẻ tiền, nguy hại đó. Cho nên vừa rồi mới liên tục có các vụ người nổi tiếng “PR” cho hàng giả, kém chất lượng bị “bóc phốt”.
Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã rút giấy phép của nhiều công ty đa cấp. Từ năm 2014, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP, sau được thay bằng Nghị định 40/2018/NĐ-CP năm 2018, để cấm bán hàng đa cấp theo mô hình kim tự tháp.
Thế nhưng đến nay, luật vẫn chưa nghiêm, vẫn còn kẽ hở, cơ quan chịu trách nhiệm vẫn chưa tích cực vào cuộc chấn chỉnh kinh doanh đa cấp trá hình, lừa đảo. Để giảm hệ lụy mà phương thức bán hàng đa cấp có thể gây cho xã hội, các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, chịu trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ các công ty vi phạm, kinh doanh theo kiểu bắt người tham gia phải trả trước một khoản tiền lớn.
Phải siết chặt yêu cầu chất lượng, độ an toàn của những sản phẩm đang bán đa cấp, không để gây hại cho người tiêu dùng. Không thể để các hệ thống bán hàng đa cấp kém chất lượng cứ thoải mái vươn vòi như những con bạch tuộc mà không xử lý được.