Cường điệu quá mức
Một số chuyên gia cho hay, đầu tháng này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “đã có quyết định chiến lược tham chiến”, giống như Chủ tịch Kim Nhật Thành đã thực hiện vào năm 1950, trong bối cảnh Mỹ đang bị phân tâm bởi những cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông.
Tuy nhiên, các quan chức tại Washington và Seoul đều “không cảm nhận được” một cuộc chiến sắp xảy ra. "Dù không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào về mối đe dọa quân sự trực tiếp vào thời điểm này, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi nguy cơ hành động quân sự của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc và Nhật Bản”, một quan chức giấu tên của Mỹ chia sẻ.
Tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng trong ngày 14-1 tại một địa điểm không xác định. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik vừa bác bỏ những tuyên bố “cường điệu quá mức” của một số chuyên gia Mỹ rằng khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên hiện đang cao nhất kể từ Chiến tranh liên Triều (1950-1953). Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Theo Bộ trưởng Shin Won-sik, những nhận định của các chuyên gia trên chỉ có lợi cho cuộc chiến tâm lý của Triều Tiên. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ chối bình luận về khả năng Triều Tiên đang lên kế hoạch hành động quân sự, chỉ nêu rõ Tokyo vẫn đang theo dõi chặt chẽ những tuyên bố và hành động của Bình Nhưỡng.
Sydney Seiler, người từng làm việc tại Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ, nhận định, Triều Tiên chưa chuẩn bị cho chiến tranh. Thêm vào đó, ông Donald Trump, ứng cử viên đầy tiềm năng của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, khi còn là Tổng thống từng dọa sẽ rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc cũng như có thái độ khá ôn hòa với ông Kim Jong-un.
Gia tăng áp lực
Mặc dù đánh giá nguy cơ đã bị thổi phồng nhưng một số quan chức và nhà phân tích có cùng một nhận định rằng, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục, hoặc thậm chí gia tăng các hành động khiêu khích sau khi Bình Nhưỡng đạt được những bước tiến trong phát triển tên lửa đạn đạo cũng như từ bỏ mục tiêu kéo dài hàng thập niên qua là thống nhất với Hàn Quốc.
Bộ trưởng Shin Won-sik cho rằng, Triều Tiên có thể gia tăng áp lực vào thời điểm bầu cử Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4 và bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Trước 2 sự kiện chính trị này, Bình Nhưỡng có thể sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho mục đích chiến lược bằng các hành động khiêu khích cường độ cao như phóng vệ tinh do thám, tên lửa xuyên lục địa hoặc thử hạt nhân.
Những động thái và tuyên bố mới nhất của các bên liên quan đến bán đảo Triều Tiên diễn ra sau bản báo cáo “khuấy động tranh luận” được đăng trên trang 38 North của Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ) của cựu chuyên gia phân tích tình báo Mỹ Robert Carlin và nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker.
Theo 2 chuyên gia này, Triều Tiên cho rằng xu thế toàn cầu hiện nay tạo điều kiện thuận lợi để có thể dẫn tới một giải pháp quân sự cho vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Hai chuyên gia lập luận rằng về cơ bản, Triều Tiên đã thay đổi tư duy chiến lược, từ bỏ mục tiêu cuối cùng là cải thiện quan hệ với Mỹ sau Hội nghị thượng đỉnh Kim - Trump thất bại. Giờ đây, Bình Nhưỡng tập trung hợp tác với Trung Quốc và Nga, và củng cố lập trường cứng rắn hơn với Hàn Quốc.