Chưa có quyết định giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe

(ĐTTCO) - Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10). Đáng lưu ý, dự thảo luật chưa quy định thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Chính phủ nhận định, nếu tiếp tục thực hiện Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì không giải quyết được tận gốc các tồn tại hiện nay

Chính phủ nhận định, nếu tiếp tục thực hiện Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì không giải quyết được tận gốc các tồn tại hiện nay

Ngày 26-4, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nêu lý do về sự cần thiết ban hành luật, Chính phủ cho rằng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ giúp khắc phục những hạn chế, bất cập về phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Trước năm 2001, các quy định về trật tự, an toàn giao thông; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực khác nhau, được điều chỉnh ở các văn bản riêng biệt dưới luật. Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực khác nhau như đã nêu trên.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đây là 3 lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau. Điều chỉnh cả 3 trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực và phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản, kinh doanh và tuân theo quy luật thị trường.

“Nếu tiếp tục thực hiện Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì không giải quyết được tận gốc các tồn tại hiện nay”, tờ trình nêu rõ.

Do vậy, Chính phủ cho rằng, cần ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.

“Việc xây dựng và ban hành 2 luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, đồng thời gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước một cách rõ ràng, cụ thể, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, Chính phủ cho biết.

Về ý kiến liệu xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì có xây dựng luật về các lĩnh vực đường thủy, đường sắt, đường không và đường hàng hải hay không, Chính phủ phản hồi: trên thực tế, tai nạn giao thông đường bộ phức tạp nhất, chiếm 97% các vụ so với các loại hình giao thông khác. Ngoài ra, tính chất điều khiển an toàn tham gia giao thông, mật độ giao thông khác nhau và liên quan trực tiếp, hàng ngày với từng người dân nên ưu tiên nghiên cứu xây dựng luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước…

Về nội dung được đề cập liên quan đến quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, theo tờ trình, đã có có 2 nhóm ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc này.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý chuyển giao cho Bộ Công an quản lý để tập trung, thống nhất, phù hợp với chức năng quản lý trật tự, an toàn xã hội. Ý kiến này đề nghị có lộ trình chuyển đổi, áp dụng cho phù hợp với thực tế, đồng thời xã hội hóa việc đào tạo lái xe cho các cơ sở đủ điều kiện. Loại ý kiến thứ 2 đề nghị tiếp tục giao cho Bộ GTVT quản lý vì đang thực hiện ổn định.

Trước đó, tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XIV, Chính phủ dự kiến giao Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, tiếp thu các ý kiến góp ý, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo luật, chỉ quy định nội dung chính sách về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và những vấn đề mang tính nguyên tắc về quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, không quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ.

Tờ trình do Bộ trưởng Tô Lâm vừa ký nêu rõ, tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 16-3-2022, Chính phủ thống nhất chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Các tin khác