Kiểm toán Nhà nước vừa cho biết kết quả kiểm toán chuyên đề về trích lập quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009 -2010. Trong đó, xác định còn tồn tại một số hạn chế về tính minh bạch, dễ bị doanh nghiệp lạm dụng.
Đặc biệt quỹ không tách được phần lãi do số dư của quỹ chưa sử dụng mang lại, để sử dụng vào mục đích khác.
Trích lập, sử dụng còn bất cập
Kết quả kiểm toán xác định việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 10 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối trong giai đoạn này đạt hơn 5.550 tỷ đồng. Trong đó, năm 2009 các DN phải trích lập tổng cộng hơn 970 tỷ đồng nhưng trên thực tế DN đã trích trên 1.000 tỉ đồng cho quỹ này; năm 2010 phải trích gần 4.600 tỷ đồng nhưng các DN còn thiếu hơn 22 tỷ đồng.
KTNN xác định việc trích lập quỹ đã được thực hiện nghiêm túc theo các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình điều hành, hướng dẫn cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng và quyết toán quỹ còn một số bất cập dẫn đến sự lúng túng của DN trong thực hiện như chênh lệch tỉ giá ngoại tệ, lãi vay trong và sau thời gian lưu thông chưa được quy định trong cơ cấu giá cơ sở.
Mặt khác, DN xăng dầu đầu mối tham gia thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá mà kết quả kinh doanh bị lỗ vẫn phải trích lập quỹ bình ổn giá, do đó DN phải lấy vốn của mình để trích lập quỹ nên dẫn đến làm tăng chi phí, tăng giá cơ sở. Điều này dẫn đến việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu không có ý nghĩa khi DN lỗ càng lỗ. Mặc dù vậy, quỹ bình ổn có những tác dụng tích cực khi được sử dụng kịp thời để phản ứng với thị trường thế giới, có nguồn lực tài chính nhập khẩu xăng dầu ngay, góp phần vào việc bình ổn giá nói chung, kiểm soát lạm phát.
Theo KTNN, trong số 10 DN kinh doanh xăng dầu chỉ có Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu hàng không chưa thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ. Qua kiểm toán cũng xác định các số liệu chênh lệch giữa báo cáo của DN và kết quả kiểm toán do một số văn bản hướng dẫn trích lập và sử dụng quỹ của tổ giám sát liên bộ thiếu rõ ràng dẫn đến các DN hiểu không đúng và thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ.
Do đó, KTNN kiến nghị các DN điều chỉnh số trích lập, sử dụng và tồn quỹ trong hai năm, thực hiện nghiêm túc các quy định về trích lập quỹ. Đợt kiểm toán này được tiến hành tại hai bộ Tài chính và Công thương cùng 10 DN.
Liên quan đến việc xem xét giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã lập ba tổ kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại Petrolimex, PV Oil, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu TPHCM và Công ty TNHH một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết quả.
Không nên để DN giữ quỹ bình ổn
Về kết luận của KTNN về quỹ bình ổn giá xăng dầu, PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Phó giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng việc trích thừa, thiếu quỹ bình ổn cần xem xét các con số cụ thể, nhưng về nguyên tắc tài chính, việc trích thừa hay thiếu đều cho thấy đã có những sai số trong trích quỹ.
Ông Hậu cho rằng để tránh nhầm lẫn và những băn khoăn về quỹ bình ổn xăng dầu, sắp tới cần quy định lại việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn. Cụ thể, không nên để DN trích quỹ dựa trên số liệu họ bán ra nữa mà từ khi nhập về VN DN phải trích ngay. Số tiền trích được cũng không nên để DN giữ mà nên quản lý tập trung, do cơ quan quản lý nhà nước nắm.
"Theo tôi, khi để cơ quan nhà nước nắm quỹ, tiền trong quỹ ít nhất phải gửi ngân hàng, sinh sôi, gia tăng quỹ và giảm gánh nặng cho người tiêu dùng" PGS.TS Hoàng Trần Hậu |
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, nói kết quả cho rằng tình trạng của quỹ bình ổn hiện tại “dễ bị DN lạm dụng để sử dụng vào mục đích khác”, “rủi ro đối với quỹ cao mà không có biện pháp phòng ngừa” đã cho thấy cần minh bạch hóa và xem lại quy định về quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Rất khó có thể kiểm soát số lượng thực bán của DN tại một thời điểm để tính số lượng trích quỹ, chỉ cân đong sai một lượng đã có thể dẫn đến số tiền người dân phải trích lớn hơn rồi. Vì vậy, ông Phong cũng ủng hộ không thể để DN tự trích, dùng quỹ rồi báo cáo.
“Cơ chế hiện nay, theo tôi, do chính DN đề xuất và thuyết phục nên mới để thế” - ông Phong nói và đề nghị KTNN cần công bố cụ thể hơn về kết luận kiểm toán quỹ bình ổn để thấy rõ các vấn đề. “Cần để công luận hiểu, từ đó mới có thể đi đến cùng sự việc. Nếu chỉ nêu chung chung thì rất dễ trôi vào quên lãng, thành đánh trống bỏ dùi” - ông Phong nói.