Chưa thông xử lý nợ xấu

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ vẫn chưa chấp thuận dự thảo Nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) và đề án xử lý nợ xấu, dù trước đó Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ vẫn chưa chấp thuận dự thảo Nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) và đề án xử lý nợ xấu, dù trước đó Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương.

Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu, xem xét lại đề án này và dự kiến đến tháng 4 vẫn chưa thể thông qua. Như vậy, một lần nữa việc xử lý nợ xấu được xem là vấn đề cấp bách nhất đối với nền kinh tế tiếp tục bị chậm trễ.

Nợ xấu là được xem là “cục máu đông” gây tắc nghẽn, làm trì trệ nền kinh tế. Nhưng để xử lý nợ xấu không chỉ cần nguồn tài chính lớn mà cần cơ chế rõ ràng, cụ thể, tránh phát sinh tiêu cực, nhất là cần sự đồng thuận của xã hội. Do vậy, việc thận trọng trong xây dựng đề án xử lý nợ xấu là cần thiết.

Đã có nhiều tranh luận, mổ xẻ với nhiều quan điểm trái chiều về việc thành lập VAMC để cứu ngân hàng hay doanh nghiệp, nhất là việc xử lý nợ xấu liên quan đến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Sau gần 2 năm chuẩn bị, tranh luận, đề án này vẫn bị Chính phủ trả lại với lý do chỉ mới chủ yếu tập trung xử lý nợ xấu của các ngân hàng với nhau, không đưa ra được nội dung tác động của việc xử lý nợ xấu đến các doanh nghiệp, nền kinh tế. Như vậy đề án xử lý nợ xấu vẫn chưa tạo được sự đồng thuận xã hội về mục tiêu xử lý nợ xấu.

Nhiều quan điểm cho rằng, VAMC ra đời sẽ có vai trò tích cực góp phần xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính và giảm rủi ro cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Theo đó, nền kinh tế sẽ được hỗ trợ khi hệ thống NHTM trở nên khỏe mạnh.

Tuy nhiên, có thể thấy vấn đề không đơn giản là ngân hàng chuyển giao cục nợ xấu theo giá trị sổ sách cho VAMC và VAMC thanh toán bằng một loại trái phiếu đặc biệt. Từ đó ngân hàng đem trái phiếu này qua NHNN chiết khấu lấy tiền về kinh doanh tiếp…

Như vậy đề án xử lý nợ xấu có thể “gỡ hòn đá tảng” là gánh nặng nợ xấu cho hệ thống NHTM, nhưng ai dám chắc nó có thể gỡ khó cho doanh nghiệp. Điều này có thể gây nghi ngờ và chưa tạo niềm tin vào đề án là tất yếu, nhất là khi nhiều ý kiến cho rằng đề án vẫn chưa gắn kết được các mục tiêu quan trọng như giải phóng nguồn vốn ngân hàng và gỡ khó cho doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa trong đề án xử lý nợ xấu là các NHTM lo ngại trái phiếu đặc biệt mà VAMC phát hành có dễ dàng cầm cố cho NHNN? Bởi nguyên tắc NHNN không dễ cho vay cầm cố trái phiếu này, vì đó cũng là tài sản cầm cố xấu.

Muốn giảm xấu hay hết xấu thì bản thân NHTM phải quyết liệt đòi nợ. Có thể NHNN thẩm định cục nợ xấu của ngân hàng nào có khả năng thoát nợ mới cho cầm cố chiết khấu. Nói như vậy nợ xấu vẫn hoàn nợ xấu nếu ngân hàng không tích cực đòi nợ. Phần được của các NHTM là không còn nợ xấu trên giá trị sổ sách. Có nghĩa là lúc này ngân hàng có vỏ không xấu nhưng ruột thì xấu.

Có thể thấy, xử lý nợ xấu đang là vấn đề nóng của nền kinh tế Việt Nam. Quyết tâm chính trị đã có, nhưng hành động trên thực tế còn chậm và vướng. VAMC được xem là bước tiến quan trọng để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế.

Làm lại đề án này đồng nghĩa với việc mất thời gian trong khi nguyên tắc tối quan trọng trong xử lý nợ xấu là vấn đề thời gian. Điều cần thiết lúc này là cơ quan soạn thảo đề án sẽ phải nghiêm túc xem xét, lấy ý kiến góp ý lại dự thảo Nghị định thành lập VAMC và đề án xử lý nợ xấu.

Trong đó, điểm mấu chốt là giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp lên ít nhất là ngang bằng với lợi ích của ngân hàng. Hiện nay, NHNN yêu cầu các NHTM phải đảm bảo chất lượng của các khoản vay mới và xử lý nợ xấu của các khoản nợ trước đây, thông qua trích lập đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro. Nợ xấu của hệ thống NHTM trong thời gian gần đây cũng đã giảm dần (theo số liệu của NHNN).

Những diễn biến trên cho thấy bản thân các NHTM đang phải chịu đau, giảm lợi nhuận để xử lý nợ xấu trước khi chờ đợi VAMC ra đời. Thống đốc NHNN cũng đã tuyên bố trách nhiệm trong xử lý nợ xấu thuộc về ngân hàng và chính doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng phải chịu lỗ, bán tài sản để trả nợ ngân hàng, nên việc các doanh nghiệp có được hưởng lợi gián tiếp gì từ VAMC cũng là điều chính đáng cần đặt ra. Nếu đề án xử lý nợ xấu của NHNN làm cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư thấy được lợi ích, mới tạo được sự đồng thuận xã hội.

Các tin khác