Chuẩn hóa giáo dục kỹ năng sống cho trẻ

(ĐTTCO) - Theo phản ánh của nhiều bạn đọc, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng quản lý cảm xúc cho học sinh thời gian qua gần như chưa được quan tâm đúng mức. Chương trình đào tạo cũng như người giảng dạy chưa được chuẩn hóa, chỉ khi có vụ việc cụ thể xảy ra thì nhà trường, phụ huynh mới cấp tập bổ túc kỹ năng cho các em…

Loay hoay

“Em thích giúp mẹ việc nhà như kiểm tra cửa đã khóa chưa, tắt đèn trước khi ngủ… và được lên mạng xem cách làm các trò chơi thủ công bằng giấy”, Trâm Anh, học lớp 2 tại một trường tiểu học ở huyện Hóc Môn kể. Tại nhà, mẹ hay dạy Trâm Anh tập trung ăn uống nhanh, tự chải đầu, sửa quần áo, cách mua hàng trong căn tin… để Trâm Anh có thể dễ dàng hòa nhập tại trường. “Trong giờ bán trú, nếu em lề mề sẽ bị cô bảo mẫu la, làm việc nhóm không tốt, mua nhiều đồ ăn vặt cũng rất sợ cô la. Thường cô la chuyện gì thì em mới biết chuyện đó không đúng và không làm trước mặt cô nữa”, Trâm Anh nói.

Vũ Nhật Ánh Thanh, học sinh lớp 7 một trường THCS ở Phú Nhuận tiếc nuối: “Em thích nhất là những giờ sinh hoạt dưới cờ, tiết Giáo dục công dân vì những tiết này nhẹ nhàng, thiết thực”. Thế nhưng Ánh Thanh cũng thừa nhận, hầu hết thời gian về nhà em đều dành cho Toán, Văn, Anh văn và các môn học thuộc bài khác. “Trong tiết Giáo dục công dân, có khi em lén lấy bài môn khác ra giải cho kịp. Trước khi thi môn công dân, em chỉ ôn thoáng qua 1-2 tiếng. Nhà trường lâu lâu cũng tổ chức các buổi mời chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp… về dạy em các kỹ năng, nhưng không nhiều”, Ánh Thanh nói.

Có thể nói, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh, kèm theo đó là các luồng thông tin từ mạng xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến lớp trẻ, thì việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng quản lý cảm xúc cho học sinh trong nhà trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Sau vụ em học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón, cơ quan bảo vệ trẻ em ra văn bản khẩn, đề nghị dạy kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm cho con trẻ trong tình huống tương tự. Sau các vụ bắt cóc hoặc nghi bắt cóc trẻ em, nhà trường cùng phụ huynh lại sốt sắng dạy trẻ kỹ năng nhận biết “mẹ mìn” và cách đề phòng người lạ. Tương tự, mỗi khi thời sự rộ lên vụ việc đáng tiếc nào với trẻ em... thì nhà trường và cha mẹ mới cấp tập bổ túc kỹ năng cho con.

Tuy nhiên, ngoài chuyện phòng chống đuối nước và tai nạn giao thông được phổ biến rộng rãi, triển khai có kết quả rõ ràng, thì việc dạy các kỹ năng sống khác cho trẻ em gần như đang được thực hiện một cách khá tự phát, tùy địa phương, tùy trường. 

Chuẩn hóa giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ảnh 1Học sinh Trường Mầm Non Tuổi Thơ 7 (quận 3) tham gia hoạt động rèn kỹ năng phối hợp. Ảnh: THU TÂM

Cần gia đình sát cánh

 Chị Phan Thanh Hương, giáo viên một trường tình thương ở quận 7, nhìn nhận: dù hết lòng nhưng giáo viên chỉ giúp các em được một phần nhỏ. Trẻ có thực hành được các kỹ năng hay không phụ thuộc rất nhiều vào gia đình. Chị Thanh Hương giải thích thêm: “Sau bữa ăn trưa, các em được hướng dẫn tự rửa chén, trải chiếu, tự dọn dẹp bàn ghế trước và sau khi ngủ. Các em được phân công xoay vòng trực nhật, quét sân, tưới cây, cho cá ăn… Riêng em nào có hoàn cảnh đặc biệt thì mình có thể thủ thỉ tâm sự riêng, dạy con cách bảo vệ an toàn cho mình, cách phòng chống xâm hại tình dục… Nhưng khi các em về đến nhà, trường không cách nào nắm rõ được”.

Theo Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam, hiện nay việc giáo dục kỹ năng trong nhà trường đang không được chú trọng đúng mức, dạy lý thuyết là chính, rất thiếu thực hành. “Kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng quản lý cảm xúc, vô cùng quan trọng ở bất cứ lứa tuổi này, vì cảm xúc là ngọn nguồn dẫn tới mọi hành động. Với các em học sinh phổ thông, cấu tạo cơ thể và ý thức chưa phát triển hoàn thiện, nên các em dễ thất thường, có khi bốc đồng, suy nghĩ thiếu chín chắn, hoặc có khi hành động bộc phát theo cảm xúc”,  TS Hòa An đánh giá. 

TS Hòa An khuyến khích cha mẹ cần chủ động tạo ra tình huống khó khăn để con ứng phó, rèn luyện: “Đưa con vào những hoàn cảnh đòi hỏi con phải vượt khó, bắt đầu từ từng việc nhỏ. Cha mẹ nên tập cho con kỹ năng ra quyết định, từ chính trong những sinh hoạt gia đình. Thậm chí thấy con sai, cha mẹ vẫn nên để con trải nghiệm, trong sự quan sát và chừng mực của cha mẹ, để con rút được nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, cha mẹ khuyến khích trẻ ra ngoài, tham gia các hoạt động hội nhóm, dự án xã hội… Qua trải nghiệm, thấy các mảnh đời thiếu thốn, khó khăn, các em sẽ tự rút ra những bài học của riêng mình, biết quý trọng những thuận lợi mình đang có, không ỷ lại hay suy nghĩ tiêu cực”.

Để giảm nhẹ áp lực học hành, trẻ cần được đánh giá dựa trên nỗ lực, cố gắng trong cả quá trình chứ không chỉ kết quả thi cử. “Mỗi trẻ có một thiên hướng, thế mạnh, không em nào có thể giỏi toàn diện như phụ huynh kỳ vọng. Điểm số không nói lên điều gì về thành công trong tương lai cả, mà để con bản lĩnh, ý chí, thành công, hạnh phúc trong cuộc sống, biết mình là ai mới là mục tiêu chính của câu chuyện giáo dục”, TS Hòa An nhắn nhủ.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM, tất cả hoạt động giáo dục ngoài nhà trường đều phải ngưng lại. Trong bối cảnh đó, nhằm tạo thêm sân chơi kỹ năng cho học sinh, nhiều trường phổ thông trên địa bàn TPHCM đã linh hoạt tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngay tại sân trường, như trồng cây xanh, tìm hiểu về sách, tổ chức cho học sinh tham gia phiên tòa giả định... Đặc biệt, để giúp học sinh giải tỏa tâm lý căng thẳng sau thời gian dài học trực tuyến, một số trường như THPT Nguyễn Du (quận 10), THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), THCS Minh Đức (quận 1)... đã tổ chức các lớp học yoga, chơi đàn ngay tại sân trường bên cạnh giờ học chính khóa.

“Sau hơn một học kỳ trực tuyến, học sinh thiếu và yếu rất nhiều kỹ năng học tập. Tuy nhiên, do phải tập trung ôn tập, bổ sung kiến thức cho học sinh nên hoạt động một số câu lạc bộ phải tạm ngưng, gây thiệt thòi cho học sinh”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 bày tỏ.

Các tin khác