Chứng khoán bắt đầu ‘ngấm’ vụ phá sản SVB?

(ĐTTCO) - Dù thanh khoản chỉ sụt giảm nhẹ so với phiên trước nhưng nguồn cung giá rẻ từ bên nắm giữ đã nhấn chìm VN Index trong phiên hôm nay (14-3).
Chứng khoán bắt đầu ‘ngấm’ vụ phá sản SVB?

Phiên hôm nay, lệnh bán giá thấp được đẩy ra khá quyết liệt và xuất hiện từ khá sớm. Phía ngược lại, dòng tiền đối ứng dù không thay đổi nhiều so với hôm qua nhưng cũng không đủ sức “vực” VN Index ra khỏi trạng thái mất điểm.

Trong diễn biến tiêu cực này, VN Index kết thúc phiên hôm nay với số điểm giảm tương đối lớn. Cụ thể, chỉ số này giảm 12,67 điểm (1,2%) xuống 1.040,13 điểm. Biên độ giữa các mã tăng giảm bị thu hẹp đáng kể với 365 mã giảm (13 mã sàn), trong khi số mã tăng chỉ có 56 mã.

Nếu phiên hôm qua, nhóm CP có vốn hoá lớn là yếu tố giúp VN Index thoát phiên giảm sâu thì ở phiên hôm nay, VN30 thành “tội đồ” với 25 mã giảm so với 2 mã tăng (SAB, VJC) và 3 mã đi ngang (VHM, VPB, PDR).

Đáng chú ý, ngoài mã VPB đứng giá, toàn bộ nhóm CP ngân hàng trong rổ VN30 đều kết phiên trong sắc đỏ, trong đó những mã ghi nhận mức giảm lớn hơn mức giảm chung của thị trường như: MBB, HDB, STB, TCB, VIB, BID, ACB.

Ngoài nhóm CP nhà băng, VN Index còn chịu sức ép giảm giá từ những mã trụ như: MSN, BVH, GAS, HPG, MWG, PLX, SSI, VNM.

Dòng tiền vào thị trường dù đi xuống nhưng may mắn là vẫn giữ được trên mốc 10.000 tỷ đồng. Thống kê, toàn sàn HoSE có 621 triệu CP được khớp lệnh, tương đương 10.447 tỷ đồng.

Hôm nay HPG thay vị trí đầu bảng về khối lượng khớp lệnh của VPB với 30,8 triệu CP được chuyển nhượng thành công. Tiếp sau là các mã: STB, HSG, VPB, NKG, DXG, LPB, SSI, VND và SHB.

Khối ngoại dù tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng, nhưng giá trị mua vào cũng tụt giảm mạnh so với phiên trước đó. Nếu phiên hôm qua, NĐTNN mua ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên sàn HoSE thì phiên hôm nay giá trị mua ròng đạt chưa đầy 424 tỷ đồng.

Trạng thái mua ròng của khối ngoại trong 2 phiên vừa qua phần nào cho thấy tác động của vụ sàn sản của Silicon Valley Bank (SVB) với TTCK Việt Nam là không quá nghiêm trọng. Thực tế, phiên giảm giá hôm nay chỉ là đợt điều chỉnh kỹ thuật chứ không đến từ phản ứng tiêu cực của NĐT trước vụ phá sản của SVB.

Báo cáo chuyên đề SVB vừa được CTCK Thành Công (TCSC) phát hành, đã đánh giá vụ việc này là chưa quá đáng lo ngại vì quy mô của SVB là khá nhỏ, chỉ xấp xỉ 200 tỷ USD năm 2022 so với quy mô 600 tỷ USD của Lehman Brother năm 2008. Chưa kể, trong cuộc khủng hoảng năm 2008 còn có các ngân hàng cũng như công ty khác đã phá sản trước đó.

Tương tự, báo cáo đánh giá tác động sự kiện SVB đối với TTCK Việt Nam của CTCK VNDirect (VND), cho rằng rủi ro vẫn tập trung ở một số ngân hàng nhỏ của Mỹ, khi khả năng thanh khoản và tỷ lệ dự trữ ngày càng suy giảm. Nhà chức trách của Mỹ đã có những can thiệp ở mức độ nào đó nhằm trấn an người gửi tiền và giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Đối với thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, VND đánh giá là ít có tác động đến rủi ro hệ thống. Phần lớn nhờ sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường bất động sản, tín dụng Trung Quốc đã qua giai đoạn khó khăn nhất khi doanh số bán nhà bắt đầu tăng trưởng dương từ tháng 2.

Tuy nhiên, VND vẫn khuyến cáo NĐT cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng "đòn bẩy", quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới. NĐT nên ưu tiên “mục tiêu phòng thủ” trong ngắn hạn với các nhóm CP giá trị/hoặc cổ tức hấp dẫn.

Các tin khác