Chứng khoán còn là kênh đầu tư hấp dẫn?

Tại nhiều nước trên thế giới, TTCK luôn là hàn thử biểu, là đầu tàu và huyết mạch của nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index thời gian qua có phải là hàn thử biểu, là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế Việt Nam?. Và nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi nên “cậy” vào đâu để sinh lời thời điểm này?

Tại nhiều nước trên thế giới, TTCK luôn là hàn thử biểu, là đầu tàu và huyết mạch của nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index thời gian qua có phải là hàn thử biểu, là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế Việt Nam?. Và nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi nên “cậy” vào đâu để sinh lời thời điểm này?

 
Chúng ta hãy xem lại vài số liệu thống kê. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2008 của Việt Nam (VN) đạt 89 tỷ USD; năm 2009 là 94 tỷ USD; năm 2010 ở mức 104 tỷ USD. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của VN năm 2011 tăng khoảng 6.3%. Rất nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều khẳng định tăng trưởng kinh tế của nước ta đứng đầu so với các nước trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, một con số thống kê nữa cho ta thấy nghịch lý rằng trong khi nền kinh tế VN vẫn tăng trưởng đều đặn qua các năm thì chỉ số VN-Index đang lội ngược dòng. Cụ thể, xét từ năm 2008 tới nay, chỉ số này đã trượt dài từ 843 điểm (3/2008) xuống 383 điểm(25/11/2011). Nghịch lý này đã gây ra không ít băn khoăn trên thị trường. Vấn đề là tại sao?. Một khi chưa làm rõ và giải quyết được vấn đề thì tâm lý NĐT vẫn còn nhiều điều bất an và thiếu tin cậy vào các chính sách vĩ mô.

Vực dậy tâm lý nhà đầu tư

Thị trường vàng thời gian qua nhiều gặp nhiều bất ổn, chỉ trong vòng 30 ngày, giá vàng lên xuống đến chóng mặt. Có những lúc cao hơn giá vàng thế giới đến vài triệu đồng và hiện nay đã giảm so với lúc giá đỉnh tới 5 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, thị trường bất động sản (BĐS) chưa biết đến khi nào thì băng tan. Nhiều dự án tại các khu đô thị lớn đã giảm giá tới 35% nhưng có mấy ai dám bỏ tiền thật của mình để đầu tư? Trần lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước đang khống chế tất cả hệ thống Ngân hàng là 14% đã giảm mạnh so với 20% trước đây. Vậy người dân có tiền nhàn rỗi họ sẽ lựa chọn đầu tư vào kênh nào sẽ sinh lời hơn?

Nhắc đến chứng khoán, không ít người vẫn luôn hồi tưởng về thời vàng son của thị trường, trái ngược hoàn toàn với tình trạng héo úa và gầy guộc như hiện nay. Mọi người đều ham muốn thị trường này, vì một khi chỉ số bật tăng, trong vòng một tuần NĐT đã có thể kiếm cả chục phần trăm một cách dễ dàng. Vậy là chỉ sau một tuần đầu tư vào chứng khoán là đã hơn 6 tháng gửi tiết kiệm.

Nhưng thực tế quá phũ phàng, rất nhiều NĐT tham gia TTCK cả chục năm nay nhiều lúc đã khóc không còn nước mắt. Họ đã bỏ quá nhiều thời gian, công sức, chăm chỉ tham gia các khóa phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, thức trắng đêm để đọc các báo cáo tài chính có lẽ còn kỹ lưỡng hơn cả các vị giám đốc doanh nghiệp. Vậy mà có NĐT cá nhân nào khá lên không?.

Hiện hàng loạt CTCK đang bên bờ vực phá sản vì tự doanh! Chỉ một số CTCK sống được vì họ mang tiền đi gửi tiết kiệm…? Lại một nghịch lý khó hiểu. Tới giờ này, Tổng giám đốc đầy uy tín của một CTCK lớn đã phải thốt lên “muốn biết có sóng lớn phải dựa vào tâm lý của NĐT chứ không phải dựa vào kỹ thuật”.

Tính đến ngày 25-11, đã có tới 403/699 cp có giá trị thấp hơn mệnh giá, chỉ số PE chỉ còn 3 đến 4 lần. Vậy là giá cổ phiếu của Việt Nam trở nên rẻ nhất khu vực tại quốc gia có nền kinh tế thuộc hàng tăng trưởng nhất khu vực!. Mặc dù nhiều chuyên gia nước ngoài vẫn mạnh miệng nhận định rằng cổ phiếu Việt Nam hấp dẫn nhưng trên thực tế, NĐT nước ngoài chỉ trong vòng 2 tháng qua (tháng 9; 10/2011) đã bán ròng tới 1,200 tỷ đồng.

Khúc mắc nằm chỗ nào? TTCK là nơi của niềm tin và hy vọng, hơn bao giờ hết những câu hỏi lớn đang được đặt ra:

- Làm thế nào lấy lại lòng tin của NĐT?

- Làm thế nào để bình ổn tâm lý NĐT ?

- Cá nhân và cơ quan có thẩm quyền nào chịu trách nhiệm về việc này?

Chừng nào bài toán trên chưa được giải quyết thì TTCK sẽ khó mà phát triển được.

Các tin khác