Lạ là làn sóng các NĐT trẻ thay vì “lảng vảng” xin phím hàng ở các diễn đàn chứng khoán như cách đây hơn một thập niên, giờ tụ lại trong các “nhóm kín”, sử dụng các “room chat” bí mật có, công khai có và giúp nhau làm giàu. Những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng, thay vì chỉ là những công cụ phân tích kỹ thuật cổ điển mà thế hệ “cha chú” đang xài.
Một thế hệ khởi nghiệp bằng chứng khoán
Các “room chat” về chứng khoán không phải đến lúc này mới có, những giai đoạn bùng nổ thứ hai của TTCK thời kỳ 2006-2008 (còn thời kỳ bùng nổ đầu tiên 2002-2003 quá xa lạ với đa số NĐT), địa điểm giao lưu chủ yếu là gặp mặt trên sàn hoặc qua các diễn đàn.
Nhưng tình thế hiện đã khác nhiều, khi các mạng xã hội bùng nổ, từ Facebook tới Zalo hay Telegram đã tạo đường tắt để các NĐT mới có thể tập trung lại, tự “làm chủ” và “bình đẳng”, thay vì phụ thuộc vào người quản lý các diễn đàn hay các Mod (người xét duyệt bài đăng trên diễn đàn).
Một thế hệ các NĐT mới cũng khác hẳn ngày xưa, khi được trang bị đầy đủ bằng kiến thức, thậm chí những công nghệ tân tiến nhất mà các NĐT kỳ cựu cũng khó tưởng tượng được. Khánh (tên đã được thay đổi), một sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành AI, hiện đang đứng đầu một nhóm Zalo về đầu tư, hé lộ dự án ấp ủ 6 tháng nay đang được thử nghiệm trên thực tế.
Đó là một phần mềm AI mà Khánh đang cố gắng học theo máy và cách chiến thắng trên TTCK. Các tín hiệu giao dịch được kiểm nghiệm và khá thành công, như lời tự nhận xét của Khánh. Khi được kết nối với hệ thống giao dịch của các CTCK, hệ thống AI này có thể tự động giao dịch. Và “con bot” (phần mềm) này càng dùng nhiều càng thông minh”.
Hai người bạn của Khánh, một sắp tốt nghiệp trường kinh tế, một học sư phạm, dự tính sẽ khởi nghiệp bằng cách lập một nhóm đầu tư. “Nói đến start-up này nọ người ta hay nghĩ phải lập doanh nghiệp, phải kinh doanh, nhưng tụi cháu đơn giản là đầu tư chứng khoán.
Cùng là kiếm tiền cả, nhưng kiếm trên TTCK vừa đơn giản (ý là về thủ tục và quy mô hoạt động so với việc lập công ty kinh doanh thông thường), vừa đo đếm hiệu quả ngay lập tức. “Cụ” Buffet cũng khởi nghiệp bằng chơi CP đấy thôi” - Khánh thổ lộ.
Đối với những NĐT kỳ cựu, những NĐT khắt khe, lý do đến với chứng khoán đơn giản như vậy khá “trẻ con”. Nhưng có một thực tế là so với chục năm trước, mức độ phổ biến của TTCK đã rộng rãi hơn nhiều. Khả năng tiếp cận tri thức về đầu tư, cũng như năng lực tự nghiên cứu của giới trẻ đã cao hơn đáng kể, thậm chí là khác biệt.
Điểm nữa là nếu như các NĐT chứng khoán trước đây phải là những người có khả năng tự chủ tài chính, nên thường “có tuổi”, phải bươn chải mới tích lũy được vốn tham gia đầu tư, thì hiện rất nhiều người trẻ có điều kiện kinh tế tốt hơn, thu nhập không chỉ để kiếm sống.
Cuộc đấu trí được nâng tầm
Cần phải nhìn nhận một thực tế, là đã qua lâu rồi thời điểm các NĐT kỳ cựu nhìn những NĐT mới bằng “nửa con mắt”. Giờ không còn những câu hỏi ngô nghê kiểu như “cột giá bên phải là giá mua hay giá bán”, hay có thể “chém gió” về P/E, Fibonacci... Thậm chí nếu nói chuyện với các NĐT trẻ, kiến thức mới có thể làm choáng váng các NĐT “có tuổi”.
Dự án khởi nghiệp của Khánh và 2 cộng sự dự kiến “chạy test” với số vốn ban đầu 500 triệu đồng. “Nếu ổn, tụi cháu sẽ gọi thêm vốn” - Khánh cho biết. Được trang bị bằng tri thức cập nhật, kết hợp với sự nhiệt tình và dám nghĩ dám làm, chấp nhận thử thách của tuổi trẻ là nét tươi mới trong cộng đồng đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khi được hỏi kế hoạch dự phòng: Nếu “con bot” không đủ khôn để chiến thắng thị trường, hay đơn giản là không thắng được những NĐT “thủ công” như chú? Câu trả lời lại khá bất ngờ: Cùng lắm là phá sản thôi chú, start-up mà. Cháu có thể bán lại “con bot” này!
Giao dịch bằng thuật toán hay các phần mềm tự động thực tế không phải là mới. Trên thế giới hay thậm chí một vài quỹ tại Việt Nam cũng đã có, thậm chí còn quy tụ được những tri thức toán học tầm đỉnh cao, với một đội ngũ kỹ sư lập trình “có số má” mà những người như Khánh mới chỉ xếp vào nhóm học việc. Thế nhưng, câu chuyện thành công đến mức độ nào luôn là điều bí ẩn.
Ở Việt Nam từ thời 2010 cũng đã có mô hình quỹ đầu tư định lượng (Quant) nhưng cũng chìm vào dĩ vãng. Hiệu quả của các thuật toán trong đầu tư vẫn còn đang là điều tranh cãi chưa ngã ngũ, vì quá trình “học” vẫn cứ tiếp diễn theo thời gian do sự đa dạng không thể kiểm soát được của điều kiện thị trường, thậm chí là bối cảnh xã hội.
Không đâu xa, đại dịch Covid-19 năm 2020 đã khiến nhiều quỹ định lượng tầm cỡ thế giới phải điêu đứng vì thua lỗ. Không thể nói rằng những tri thức tầm cỡ “đỉnh của chóp”, được trả hàng trăm triệu USD lại có thể viết code sai. Đơn giản là không có một thuật toán nào bao quát được mọi kịch bản có thể xảy ra.
Song thực tế mà nói, đối với các NĐT trẻ, việc quá tự tin vào kiến thức, kỹ năng rất có thể lại là một thiếu sót lớn. Đó mới chỉ là một chân để bước đi trên TTCK, còn lại là kinh nghiệm. Kiến thức có thể học, nhưng kinh nghiệm thì phải tự trải nghiệm và đúc rút vì quá đa dạng. Cũng giống như một người lính, tháo lắp súng đạn, bò trườn trên thao trường thành thạo, không có nghĩa là sẽ sống sót trong một trận chiến thực sự.
Trên nhiều “rom chat”, “room phím hàng”, không hiếm các NĐT trẻ khởi nghiệp bằng NAV (giá trị tài sản quản lý) cỡ tỷ đồng tới cả chục tỷ đồng. Bất kể nguồn tiền đó là tự có hay bố mẹ cho thì đây vẫn là mức độ thâm nhập thị trường khác hẳn lứa NĐT cũ. |