Chứng khoán Mỹ khép quý thắng lợi; Dầu nhuộm đỏ 3 tháng liền

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tiếp tục tăng điểm và đóng cửa tại mức cao kỷ lục vào thứ Hai (30/09), khép lại một tháng và một quý thắng lợi. Trong khi, ở chiều ngược lại, giá dầu đã nhuộm đỏ tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 9, khi nguồn cung tăng từ OPEC+ và nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc đã ám ảnh thị trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
Chứng khoán Mỹ khép quý thắng lợi; Dầu nhuộm đỏ 3 tháng liền

S&P 500 lại lập kỷ lục mới

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tiến 17.15 điểm, tương đương 0.04%, lên 42,330.15 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 0.42% lên 5,762.48 điểm. Cả 2 chỉ số này đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite thêm 0.38% lên 18,189.17 điểm.

Chứng khoán Mỹ quay đầu tăng vào cuối phiên, xoá sạch mức giảm sau nhận định từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ông Powell cho biết vào thứ Hai rằng sẽ có thêm nhiều đợt hạ lãi suất nữa, nhưng cảnh báo rằng ngân hàng trung ương không có lộ trình định sẵn. Nếu nền kinh tế diễn biến như mong đợi, ông dự kiến sẽ có 2 đợt hạ lãi suất, mỗi đợt cắt giảm 0.25% trong năm nay.

“Đây không phải là một uỷ ban cảm thấy muốn cắt giảm lãi suất nhanh chóng”, ông Powell nói.

Động thái trong phiên ngày thứ Hai đánh dấu sự khép lại của một tháng và một quý thắng lợi nhưng đầy biến động đối với cả 3 chỉ số chính.

Thị trường đã có khởi đầu khó khăn trong tháng yếu kém nhất theo lịch sử đối với thị trường chứng khoán, tuy nhiên, đã phục hồi khi Fed hạ lãi suất 0.5%.

Trong tháng 9, Dow Jones tiến 1.9% và Nasdaq Composite tăng 2.7%. S&P 500 cộng 2%, ghi nhận tháng 9 tăng đầu tiên kể từ năm 2019.

Chứng khoán Mỹ đã gặp khó khăn tại nhiều thời điểm trong quý 3/2024, khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đà leo dốc trong năm 2024 có duy trì được không. Đáng chú ý, quý này gồm cả đợt bán tháo toàn cầu hồi hôm 05/08, trong đó Dow Jones lao dốc hơn 1,000 điểm.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cuối cùng đã có thể vượt qua được bức tường lo lắng đó, với Dow Jones khép lại quý 3 với mức leo dốc hơn 8%. S& 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 5.5% và 2.6% kể từ đầu tháng 7.

Mặc dù nhà đầu tư nhìn chung tỏ ra lạc quan khi bước vào giai đoạn cuối năm, tháng 10 có lịch sử đáng lo ngại đối với thị trường. Đây được biết đến là thời điểm biến động cực độ, với một số đợt lao dốc đáng chú ý của Phố Wall xảy ra trong tháng.

Dầu “bốc hơi" 3 tháng liên tiếp

Dầu WTI mất hơn 7% trong tháng 9, còn dầu Brent sụt 9%.

Amarpreet Singh, Chuyên gia phân tích năng lượng tại Barclays, cho rằng: “Thị trường dầu đang trải qua một cơn hoảng loạn. Cán cân sẽ nới lỏng vào năm tới, nhưng những lo ngại có thể đã quá mức.”

Barclays dự báo giá dầu Brent trung bình đạt 85 USD/thùng vào năm 2025.

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI rớt 1 xu, tương đương 0.01%, xuống 68.17 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent lùi 21 xu, tương đương 0.29%, còn 71.77 USD/thùng.

Giá dầu vẫn chịu áp lực một phần vì OPEC+ có kế hoạch bắt đầu tăng sản lượng vào tháng 12 và do nhu cầu ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vẫn còn yếu.

Giá dầu đang không nhận được nhiều hỗ trợ từ căng thẳng leo thang ở Trung Đông ngay cả sau khi Israel giết chết thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, trong một cuộc không kích ở Beirut vào ngày 27/09. Chính quyền ông Netanyahu đang tấn công mạnh vào nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn, với lo ngại ngày càng tăng rằng Israel có thể tiến hành một chiến dịch trên bộ ở Lebanon.

Các tin khác