Dow Jones tăng hơn 200 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones cộng 221.71 điểm, tương đương 0.67%, lên 33,274.58 điểm. S&P 500 tiến 1.05% đạt 4,237.86 điểm, vượt ngưỡng trung bình động 200 ngày. Nasdaq Composite thêm 1.64% lên 13,061.47 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin nhảy điểm mạnh với mức tăng khoảng 2%. Cụ thể, cổ phiếu của các công ty bán dẫn như Advanced Micro Devices và Micron Technology thêm lần lượt 9.7% và 3.8%. Cổ phiếu Nvidia cũng tiến hơn 3%.
Đúng như dự báo chung, Fed giữ nguyên lãi suất trong phạm vi từ 5.25% - 5.5%. Ngân hàng trung ương cũng cho biết “các hoạt động kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ mạnh trong quý 3”. Trong các nhận định trước đó, Fed cho rằng nền kinh tế đang tăng trưởng với “tốc độ vững chắc”.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau quyết định lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell không loại trừ khả năng tăng lãi suất vào tháng tới, đồng thời cho rằng ý kiến khó có thể tăng lãi suất sau 2 lần tạm dừng là sai lầm.
Lợi suất trái phiếu trượt dài sau quyết định trên của Fed và sau khi Bộ Tài chính thông báo kế hoạch bán trái phiếu. Thông tin này đã góp phần thúc đẩy thị trường cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống dưới ngưỡng 4.8% vào thứ Tư, sau khi vượt mức cao nhất 16 năm là 5% trong tháng 10 và khiến các thị trường lo sợ. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm xuống dưới mức 5%.
Hồi đầu phiên, Bộ Tài chính Mỹ công bố kế hoạch chi tiết về quy mô của đợt chào bán trái phiếu trong tương lai giữa bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về gánh nặng nợ ngày một lớn của Chính phủ Mỹ. Theo đó trong tuần tới, Bộ Tài chính sẽ bán đấu giá khoản nợ 112 tỷ USD, gần như khớp với mong đợi của Phố Wall.
Nhà đầu tư cũng đón nhận các thông tin kinh tế được công bố vào sáng thứ Tư. Các số liệu này cho thấy nền kinh tế và thị trường lao động có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số ISM sản xuất chỉ ra rằng hoạt động sản xuất sụt giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 10.
Phố Wall đã bước qua tháng 10 ảm đạm do nỗi lo lợi suất ngày càng tăng nhanh. Được biết, Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 1.4% và 2.2% trong tháng 10, đánh dấu 3 tháng sụt giảm liên tiếp đầu tiên của cả 2 chỉ số này kể từ tháng 3/2020. Đáng chú ý, S&P 500 tạm thời rơi vào phạm vi điều chỉnh. Nasdaq Composite rớt 2.8% trong tháng 10, cũng ghi nhận tháng sụt giảm thứ 3 liên tiếp.
Dầu trượt do lo ngại về việc tăng lãi suất trong tương lai
Tăng lãi suất để chống lạm phát có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Khép phiên, giá dầu Brent tương lai giảm 20 cent, tương đương 0,24%, xuống 84,82 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ hạ 37 cent, tương đương 0,46%, xuống 80,65 USD.
Điều đó khiến dầu Brent có mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 6/10 và dầu WTI có mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 28/8.
Các nhà giao dịch lưu ý rằng cả hai hợp đồng dầu này cũng đang trên đà đóng cửa dưới mức trung bình động 100 ngày, vốn là mức hỗ trợ kỹ thuật quan trọng kể từ tháng 7.
Trước đó, cả hai loại dầu chuẩn đều tăng hơn 2 USD/thùng do lo ngại về Trung Đông.
Fed, sau khi bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022, đã quyết định giữ lãi suất ổn định vào thứ Tư, nhưng để ngỏ khả năng chi phí vay sẽ tăng thêm do nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ.
Tại châu Âu, lạm phát tháng 10 tại khu vực đồng Euro ở mức thấp nhất trong 2 năm, dữ liệu nhanh của Eurostat cho thấy, làm dấy lên quan điểm rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu khó có thể sớm tăng lãi suất. Ngân hàng Anh dự kiến sẽ họp vào thứ Năm.
Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy hoạt động của nhà máy bất ngờ giảm trong tháng 10 tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, làm tăng thêm số liệu chính thức ảm đạm so với một ngày trước đó.
Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã bổ sung 0,7 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 24/10, thấp hơn mức tăng 1,3 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters và Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API), đã báo cáo một ngày trước đó với công suất 1,3 triệu thùng.