S&P 500 đóng cửa thấp hơn
Khép phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 37,63 điểm, tương đương 0,11%, lên 33.241,56. Trong khi đó, S&P 500 giảm 0,4% xuống 3.829,25 và Nasdaq Composite mất 1,38% xuống 10.353,23.
Các cổ phiếu liên quan với Trung Quốc tăng khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19. Cổ phiếu Tesla lao dốc hơn 11% trước thông tin về việc tạm dừng sản xuất kéo dài, với việc cổ phiếu đang trên đà ghi nhận năm tồi tệ nhất từ trước đến nay. Cổ phiếu Southwest sụt gần 6% khi hãng hàng không phải huỷ hàng ngàn chuyến bay.
Lợi suất trái phiếu cũng bị đẩy lên cao hơn, gây áp lực lên nhóm cổ phiếu tăng trưởng như công nghệ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cuối phiên tăng gần 11 điểm cơ bản lên 3.85%. Cổ phiếu Apple nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong chỉ số Dow Jones, rớt xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 6/2021 và mất 1.4%.
Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại Truist cho biết: “Về cơ bản, lợi suất cao tiếp tục gây áp lực lên nhóm cổ phiếu tăng trưởng, với sự phân bổ lại vào các lĩnh vực khác nhỏ hơn, nhưng không đủ lớn để thay đổi chỉ số chính.”
Sameer Samana, Chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao của Viện đầu tư Wells Fargo, cũng cho hay, sự kết hợp của việc bán lỗ để bù đắp lãi vốn (tax-loss selling), tái cân bằng danh mục đầu tư và quyết định đầu tư vào vị trí nào cho năm 2023 cũng có thể ảnh hưởng đến các chỉ số.
Chứng khoán Mỹ đang hướng tới ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008, với chỉ số Dow và S&P lần lượt trượt 8,5% và 19,7% từ đầu năm 2022. Nasdaq bốc hơi 33,8%.
Trong tháng 12, S&P đã giảm 6,2%, trong khi Dow và Nasdaq lần lượt giảm 3,9% và 9,7%. Các chỉ số trung bình chính đang trên đà giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 9.
Sau một năm đầy khó khăn bởi nỗi lo lạm phát và suy thoái kinh tế, nhà đầu tư hy vọng sẽ kết thúc năm 2022 với một sự tích cực.
Các câu hỏi cũng đặt ra về việc liệu sự biến động sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023 hay không và nền kinh tế, cũng như lạm phát, sẽ mang lại điều gì khi năm cũ đi qua.
Dầu ổn định khi sản lượng của Mỹ tăng sau khi đóng băng
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent tăng 66 cent, tương đương 0,8%, ở mức 84,58 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Hoa Kỳ tăng 18 cent ở mức 79,73 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng dầu đều đạt mức cao nhất kể từ ngày 5/12 vào đầu phiên. Thị trường Anh và Mỹ đóng cửa vào thứ Hai (26/12) để nghỉ lễ Giáng sinh.
Các nhà máy lọc dầu dọc Bờ Vịnh bắt đầu hoạt động trở lại và tăng cường sản xuất sau khi một con bão tuyết khiến nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng và dẫn đến tổn thất điện, thiết bị và đường truyền tại các cơ sở dọc Bờ Vịnh Hoa Kỳ.
Cái lạnh khắt nghiệt cũng cắt giảm sản lượng dầu khí tự nhiên từ Bắc Dakota đến Texas.
Cơ quan quản lý đường ống Bắc Dakota cho biết, sản lượng khoảng 450.000-500.000 thùng dầu mỗi ngày đã bị cắt giảm vào cuối tuần trước tại các mỏ dầu Bakken, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà khai thác đang nhanh chóng làm việc để khôi phục sản lượng bị mất.
Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết hôm thứ Hai rằng Trung Quốc sẽ ngừng yêu cầu khách du lịch nội địa phải cách ly, bắt đầu từ ngày 8/1. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát ở các biên giới đã bị đóng cửa kể từ năm 2020.
Nhà phân tích Naeem Aslam của Avatrade nhận định: “Đây chắc chắn là điều mà các nhà giao dịch và nhà đầu tư đã mong đợi.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký một sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ cho các quốc gia tham gia vào việc áp giá trần từ ngày 1/2 trong 5 tháng. Lo ngại về việc Nga có thể cắt giảm sản lượng cũng hỗ trợ giá dầu.
Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu từ 5% đến 7% vào đầu năm 2023 để đối phó với các mức giá trần, hãng tin RIA dẫn lời Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết hôm thứ Sáu.